Ngày 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020. Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
PCI - Chỉ số của hành động
Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.700 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “PCI là một chỉ số của hành động. PCI thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp. Đó là sự tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở. Thực tế, PCI đã cổ vũ và lan tỏa nhiều thực tiễn tốt tại Việt Nam trong thời gian qua”.
PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. PCI cũng đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân. Quan hệ “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” được khởi động; Khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài – địa phương phát triển” được đề ra. Phương châm hành động: “Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền” được lan toả...
Quan trọng hơn, PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI. PCI truyền cảm hứng, giúp tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những thực tiễn cải cách tốt từ cơ sở.
Điều tra PCI 2020 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có xu hướng cải thiện theo thời gian. Những chuyển động tích cực được ghi nhận bao gồm chi phí không chính thức tiếp tục đà giảm, an ninh trật tự được giữ vững, chính quyền cấp tỉnh năng động, tiên phong hơn, cải cách hành chính có cải thiện đáng kể và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy chính quyền cấp tỉnh cần cải thiện mạnh mẽ tính minh bạch của môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra cho doanh nghiệp, tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp.
Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Brad Bessire phát biểu: "PCI đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh thành. Chúc mừng PCI về nỗ lực cải cách không mệt mỏi trong suốt 16 năm qua".
Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI năm 2020 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam do tác động của dịch bệnh COVID-19. COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trên diện rộng, ở hầu khắp các ngành, trên toàn bộ các vùng của cả nước; ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm vừa qua. Các doanh nghiệp cũng đã phải cắt giảm lực lượng lao động. Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19 có tác động trên thực tế không đồng đều nhau, một số chính sách có hiệu ứng thực tiễn cao như giãn nộp thuế và gia hạn tiền thuê đất… Điều tra cũng cho thấy mức độ thích ứng khá cao của doanh nghiệp Việt Nam trước đại dịch.
Nền tảng cho sự phục hồi và phát triển
Đúng với dự báo của nhóm nghiên cứu PCI vào đầu năm 2020 , đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu đã tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam năm vừa qua, kéo theo sự sụt giảm mạnh niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiệt kế doanh nghiệp ghi nhận, chỉ 41% doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới, giảm đáng kể so với mức 51% của năm 2019. Đây là mức thấp thứ 3 kể từ năm 2006, khi điều tra PCI bắt đầu được tiến hành trên quy mô cả nước. Con số này chỉ cao hơn mốc đáy của những năm 2012-2013 khi nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động kép của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với những bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Trong điều tra PCI 2020, có tới 13% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa, mức cao nhất trong 15 năm VCCI tiến hành điều tra PCI tại toàn bộ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Có thể xem xét kỹ hơn bức tranh triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong PCI 2020 qua tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh theo tỉnh, thành phố. Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, chỉ 6 tỉnh (bao gồm Quảng Bình, Tuyên Quang, Hậu Giang, Bình Thuận, Đồng Tháp và Bắc Giang) có từ 50% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới, giảm mạnh từ con số 37 địa phương của Điều tra PCI 2019. Một số tỉnh thậm chí có dưới 1/3 số doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh, như An Giang, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Vĩnh Long và Tiền Giang.
Trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương - những trung tâm kinh tế lớn nhất nước, có tới 4 thành phố (Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng) có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh thấp hơn mức trung bình của cả nước. Bối cảnh khó khăn khiến cho doanh nghiệp trong nhiều ngành sản xuất kinh doanh thận trọng hơn khi lên kế hoạch kinh doanh sắp tới. Điều tra PCI 2020 cho thấy chỉ 6 ngành có tỷ lệ trên 50% doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo.
Đứng đầu là ngành sản xuất đồ gỗ nội thất, với tỷ lệ 63,8% doanh nghiệp trong ngành cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Đây cũng là ngành có sự khởi sắc trong 6 tháng cuối năm nhờ việc tiếp cận thị trường thông qua các hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng như một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc, dù các doanh nghiệp trong ngành đã phải rất chật vật trong những tháng đầu năm 2020 do dịch COVID-19. Doanh nghiệp trong 4 ngành khác cũng có mức độ lạc quan cao, bao gồm sản xuất xe có động cơ, tài chính/bảo hiểm, nông nghiệp/lâm nghiệp/thuỷ sản và bất động sản. Một số ngành như khai khoáng, thông tin-truyền thông và dệt sợi có tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới thấp nhất.
Những diễn biến mới của dịch COVID-19 trong năm 2021 tại Việt Nam tiếp tục đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp, song vẫn có cơ sở để kỳ vọng vào một triển vọng tích cực hơn trong thời gian tới. Đầu tiên chính là sức chống chịu của doanh nghiệp - nhiều doanh nghiệp trải qua một năm chật vật chống đỡ khó khăn đã dần tự điều chỉnh để tồn tại và thích ứng với bối cảnh nhiều biến động, thậm chí không ít doanh nghiệp đã tìm được cơ hội mới.
Quan trọng không kém, việc Chính phủ Việt Nam áp dụng các biện pháp chống dịch đi kèm với chính sách khôi phục và phát triển kinh tế trong nước sẽ là những bệ đỡ hữu hiệu để nâng đỡ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp. Trên phương diện quốc tế, đại dịch COVID-19 sẽ từng bước được kiểm soát khi ngày càng nhiều nước bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc xin, do đó kinh tế toàn cầu sẽ bước vào quá trình hồi phục như nhiều dự báo. Khó khăn tất nhiên vẫn chồng chất với cộng đồng kinh doanh, song những yếu tố trên sẽ tạo nền tảng cho sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.
Trần Nguyên