Với việc tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu PROFIT500 năm 2023, Petrovietnam - lần thứ 5 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng này. Kết quả này, một lần nữa khẳng định hiệu quả hoạt động của Petrovietnam trong những năm qua, với tình hình tài chính lành mạnh, cùng năng lực quản trị biến động linh hoạt, được đánh giá và công nhận khách quan bởi nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước.

Trong 7 tháng 2023, vượt qua những khó khăn, thách thức lớn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, Petrovietnam đã xuất sắc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch SXKD được giao. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 495,7 nghìn tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch 7 tháng và đạt 73% kế hoạch năm 2023; nộp NSNN toàn Tập đoàn (không bao gồm NSRP) ước đạt 78,3 nghìn tỷ đồng, vượt 62% KH 7 tháng, hoàn thành KH cả năm 2023, về đích trước 5 tháng.

Theo Bảng xếp hạng PROFIT500, Top 10 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm nay, lần lượt bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Vietcombank, Techcombank, PVEP, BIDV, MBBank, Agribank, VPBank.

Nhiều doanh nghiệp Dầu khí lọt vào bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2023
Nhiều doanh nghiệp dầu khí lọt vào Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2023

Cùng với Petrovietnam và PVEP, Bảng xếp hạng PROFIT500 năm 2023 cũng ghi nhận sự hiện diện của một loạt các doanh nghiệp dầu khí khác như: Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, xếp vị trí thứ 12); Công ty CP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR, xếp vị trí thứ 14); Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí – CTCP (PVFCCo, xếp thứ 31); Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC, xếp thứ 47); tiếp theo là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power); Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrcns); Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC); Công ty CP PVI; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)…

Trải qua 7 năm công bố nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có khả năng tạo lợi nhuận cao và bền vững, Bảng xếp hạng PROFIT500 đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc ghi nhận một cách xứng đáng đóng góp của những doanh nghiệp hàng đầu – rường cột phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, đồng thời đối mặt với nhiều rủi ro và biến động khó lường, ý nghĩa của việc tìm kiếm các doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất càng được cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và công chúng mong chờ hơn bao giờ hết. Từ đó, Bảng xếp hạng PROFIT500 góp phần giới thiệu và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Theo Vietnam Report, dù chưa thể quay về mức cao như trước đại dịch, song so với năm trước, ROA bình quân của các doanh nghiệp PROFIT500 trong năm 2023 đã có sự cải thiện tương đối đồng đều ở cả 3 khu vực kinh tế (FDI, khu vực tư nhân và doanh nghiệp khu vực nhà nước).

Giai đoạn vừa qua, đánh dấu một chặng đường khắc nghiệt của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Theo nhịp biến động kinh tế - chính trị toàn cầu, xuất khẩu yếu, hoạt động sản xuất cầm chừng và sự chững lại của nhiều thị trường từ bất động sản cho đến trái phiếu…, tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm tốc rõ rệt.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng trong nửa đầu năm nay thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan lại gia tăng.

Tính đến hiện tại, khi hai phần ba khoảng thời gian của năm đã trôi qua, chưa đến một nửa số doanh nghiệp hoàn thành được trên 50% kế hoạch lợi nhuận (40,9% số doanh nghiệp - giảm mạnh so với 73,9% số doanh nghiệp ở thời điểm khảo sát cách đây 1 năm).

Số liệu tính chung 8 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, dưới sức ép từ cả trong và ngoài nước, 124,7 nghìn doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh bối cảnh đầy thách thức của môi trường kinh doanh.

Ở phần còn lại của năm, khi “hạ cánh mềm” dần được nhắc đến nhiều hơn để nói về bộ mặt kinh tế thế giới thay cho cụm từ “suy thoái” cách đây vài tháng, nền kinh tế Việt Nam nhen nhóm tín hiệu bớt ảm đạm và có khả năng tiến dần vào quỹ đạo phục hồi. Tuy nhiên, tốc độ chuyển trạng thái không quá nhanh do áp lực vẫn lớn và nhiều khó khăn còn tồn đọng. Về góc độ tích cực, bước sang quý III/2023, tín hiệu phục hồi tháng sau khả quan hơn tháng trước dần xuất hiện.

Với nhận định chung rằng, dù đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển mình của nền kinh tế, nhưng những dấu hiệu này chưa thực sự mạnh mẽ; nói cách khác, chưa đủ sức bật để đưa tình hình chuyển biến nhanh trong ngắn hạn trong khi thách thức còn rất nhiều, đa số chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ thấp hơn so với mục tiêu 6,5%.

Sự phục hồi giữa các ngành, các doanh nghiệp cũng sẽ có sự khác biệt phụ thuộc vào nhiều yếu tố đặc thù riêng. Do vậy, có sự phân hóa trong kết quả khảo sát về triển vọng lợi nhuận dự kiến trong 6 tháng còn lại của năm với 6 tháng đầu.

Có 54,6% số doanh nghiệp cho rằng, lợi nhuận của mình sẽ có cải thiện nhẹ so với nửa đầu năm đã qua; trong khi 4,5% số doanh nghiệp dự báo không thay đổi và 40,9% số doanh nghiệp nhận định sự phục hồi vẫn hết sức chậm chạp, chưa thể phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh trong năm nay, có thể trong ngắn hạn vẫn ghi nhận sự suy giảm trước khi tình hình có thể cải thiện trở lại.

Trần Mạnh