Bảng xếp hạng Profit500 được thực hiện nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế.
Theo bảng xếp hạng của Profit500, Petrovietnam tiếp tục là doanh nghiệp hàng đầu lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, cùng với các tập đoàn lớn như Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TechcomBank); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…
Ngoài ra, trong Bảng xếp hạng VNR500 còn có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như: Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam,… Những kết quả này một lần nữa khẳng định hiệu quả hoạt động của Petrovietnam trong những năm qua, với tình hình tài chính lành mạnh cùng năng lực quản trị biến động linh hoạt, được đánh giá và công nhận khách quan bởi nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước.
Theo các số liệu được công bố, có thể thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp Profit500 nói riêng đã và đang thể hiện bản lĩnh vững vàng trên con đường phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trái ngược với những lo ngại về sự chậm lại của kinh tế thế giới, số liệu thống kê mới nhất cho thấy kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu đã vượt mức trước đại dịch. Sự phục hồi này đạt được chủ yếu nhờ tăng trưởng vững chắc của xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sang các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm đạt 497,64 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13,6%. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, đặc biệt là đối với dịch vụ, cũng đóng góp tích cực vào tăng trưởng. Quy mô bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 08/2022 tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm chưa xảy ra đại dịch).
Tính chung 08 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Biên giới quốc gia mở cửa trở lại vào tháng 03/2022 đang mang đến sự hồi sinh cho ngành du lịch, đem đến 1.440 nghìn lượt khách du lịch quốc tế trong 8 tháng đầu năm, tăng gấp 12,7 lần so với cùng kỳ. Những kết quả tích cực trong 8 tháng đầu năm tạo cơ sở giúp tăng trưởng quý III có sự bứt phá, từ đó mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm có thể dễ dàng đạt được.
Riêng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2022, hoạt động SXKD tiếp tục được duy trì ổn định tại tất cả các lĩnh vực: Công tác quản trị sản lượng khai thác được áp dụng đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các giải pháp/biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng, duy trì nhịp độ khai thác với hệ số thời gian cao, kết quả khai thác dầu thô đã vượt 23% kế hoạch 08 tháng và bằng 84% kế hoạch năm 2022, bằng mức thực hiện cùng kỳ.
Sản xuất cung ứng ra thị trường trong nước 1,22 triệu tấn đạm Urê, vượt 10% kế hoạch 08 tháng và bằng 72% kế hoạch năm, tăng 9% so với cùng kỳ. Sản xuất 4,56 triệu tấn xăng dầu (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), vượt 8% kế hoạch 08 tháng và bằng 74% kế hoạch năm, tăng 5% so với cùng kỳ, đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tổng nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt 90,6 nghìn tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2022 trước 06 tháng). Cùng với chỉ tiêu nộp NSNN, Petrovietnam cũng đã về đích các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn.
Trần Mạnh