Một năm bước ngoặt

Chưa năm nào Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng bứt phá mạnh mẽ như năm 2018. Lần đầu tiên Vingroup bước vào lĩnh vực sản xuất, ngay lập tức ra mắt những chiếc ô tô VinFast sang trọng mang thương hiệu Việt Nam ngay tại cái nôi của ngành ô tô thế giới: triển lãm Paris Motor Show. Thương hiệu xe máy điện khá duyên dáng Klara cũng được ra mắt, nhiều đại lý lớn đồng loạt được mở ra.

Nhưng lớn hơn thế, năm Mậu Tuất còn chứng kiến một bước ngoặt trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp của ông Vượng: định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ với mục tiêu 2028 sẽ trở thành một tập đoàn với công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Bước phát triển đột phá trong năm 2018 của Vingroup có nét giống với bước ngoặt Break Through để một doanh nghiệp trở nên vĩ đại giống như mô tả trong cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại" (Good to Great) của tác giả Jim Collins mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhiều lần tặng và giảng cho nhân viên của mình.

Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long... Cuộc đua để thay đổi chính mình - Hình 1

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra mắt xe ô tô VinFast và tấn công lĩnh vực công nghệ.

"Tốt là kẻ thù của vĩ đại" và hành trình để khiến một công ty tốt trở nên vĩ đại rất hiếm khi xảy ra bởi nó rất khó và chỉ có những con người có tài năng, tầm nhìn, có quyết tâm, có kỷ luật và một bộ máy cũng thấm nhuần một văn hóa như vậy mới có thể làm được.

Thế giới đã có những công ty vĩ đại. Đó là Microsoft, Apple, là Amazon, là Facebook,... Tất cả đều trải qua một quá trình, từ việc thiết lập ban đầu, từ việc xây dựng nền tảng, từ bước lấy đà rồi đến một điểm đột phá và trở nên vĩ đại. 

Chỉ khoảng 2-3 năm trước, phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam còn ở dạng nhỏ và siêu nhỏ, những doanh nghiệp như Vietcombank hay Vinamilk cũng chỉ thuộc dạng tầm trung trong khu vực.

Nhưng khoảng 1-2 trở lại đây, số lượng các doanh nghiệp tăng trưởng vượt bậc về mặt quy mô khá nhiều. Đó là Viettel, PV Gas, FPT, Vinamilk, Vietcombank, VietJet,… Dòng vốn ngoại chảy vào và sự chú ý đến việc đầu tư của các nhà đầu tư trong nước đang giúp các doanh nghiệp lớn mạnh lên.

Nhưng có lẽ, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng có tốc độ phát triển thần tốc nhất và có những bước đột phá.

Ngay từ đầu quý 2/2018, Vingroup đã bứt phá thần tốc để vượt qua Vinamilk dẫn đầu vốn hóa thị trường với quy mô vốn hóa khoảng 15 tỷ USD. Riêng ông Phạm Nhật Vượng có tài sản quy đổi 6-7 tỷ USD.

Sự phát triển bùng nổ của TTCK cũng như khát vọng của các doanh nhân đã giúp cộng đồng Việt có gần 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, nhiều doanh nghiệp hơn 10 tỷ USD như VIC, Vinamilk, GAS, Vietcombank,...

Nhưng điều quan trọng hơn cả là triển vọng tương lai. Vinamilk là doanh nghiệp đầu ngành có triển vọng sáng sủa, Vietcombank là doanh nghiệp vô đối về lợi nhuận, có cơ hội thu lời tỷ USD ngay trong năm 2019. Còn Vingroup của tỷ phú Vượng có một cơ hội bứt phá lớn hơn để trở nên vĩ đại.

Đại gia gồng mình cho cuộc đua lịch sử

Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp có những bước bứt phá ngoạn mục để trở nên vĩ đại, trở thành trụ cột cho nền kinh tế quốc gia. Amazon của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos đi lên nhờ công nghệ thương mại điện tử. Doanh nghiệp này như một đế chế, có quy mô lớn, có luật lệ và quyền lực như, thậm chí lớn hơn một số quốc gia.

Với Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng, cú bứt phá trong năm Mậu Tuất là một bước ngoặt. Nó đánh dấu sự nỗ lực khó tưởng tượng của một doanh nhân Việt. Tuy nhiên cũng cần có thời gian để đế chế này đột phá lên một tầm cao mới.

Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long... Cuộc đua để thay đổi chính mình - Hình 2

3 tỷ phú USD Việt: Phạm Nhật Vượng,  Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang

Hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ có thể là một bước đi đúng đắn, nhưng tất cả mới chỉ là ban đầu. Vingroup gần đây dồn dập thành lập các công ty công nghệ, thành lập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Vingroup cũng đã thành lập hai viện nghiên cứu là: Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT). Đây là tiền đề cho một cú bứt phá mới trong tương lai. 

Cũng trong vài năm gần đây, khát vọng của doanh nhân Việt lớn lao hơn. Giấc mơ bay của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên một hãng hàng không VietJet có vốn hóa 4-5 tỷ USD. Bà Thảo trở thành nữ tỷ phú số một Đông Nam Á với tài sản 2-3 tỷ USD.

Ông Trần Đình Long dồn tiền cho một dự án thép khủng với mục tiêu “cao lớn gấp 2” so với hiện tại và bước vào top đầu các ông lớn ngành thép quốc tế.. Ông Nguyễn Đăng Quang cũng đã nhanh chóng trở thành tỷ phú USD và mở rộng đế chế Masan với thực phẩm, tài chính và khoáng sản là thế mạnh. Ông Trần Bá Dương cùng Bầu Đức xây dựng đế chế nông nghiệp.

Trong năm qua, giấc mơ bay của ông Trịnh Văn Quyếtcũng đã thành công với sự xuất hiện của hãng hàng không Bamboo Airways. Bamboo Airways sẽ khai thác 37 đường bay kết nối tất cả thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế trong năm 2019, trong đó có các khu nghỉ dưỡng và sân golf của đại gia gốc Vĩnh Phúc.

Mỗi người một tham vọng. Có người làm một lúc nhiều việc, nhiều dự án, có người dồn sức cho một mục tiêu. Nhưng doanh nhân Việt có cùng một điểm chung là đều đang rất nỗ lực cho một cuộc đua với chính mình để bứt phá, lớn lên mạnh mẽ để ghi dấu lịch sử. Với sự phát triển dữ dội của cuộc cách mạng lần thứ 4, cơ hội để các doanh nhân Việt tạo ra những công ty lớn ngày càng rõ hơn bao giờ hết.

Theo Vietnamnet