Phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Vấn nạn này, khiến người nông dân không chỉ mất tiền, mất tài sản, mà còn mất lòng tin vào các cơ quan quản lý; nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà.
Phân bón giả, thuốc BVTV giả đang “bức tử” nền nông nghiệp nước nhà
Thiệt hại là vô cùng lớn
Phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả đã gây ra những thay đổi tiêu cực, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng khiến ngành nông nghiệp khốn đốn.
Trước thực trạng trên, ngày 27/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202/2013/NÐ-CP nhằm siết chặt công tác sản xuất, kinh doanh phân bón. Song thực tế, do thiếu thông tư hướng dẫn nên Nghị định vẫn chỉ nằm trên giấy, tình trạng tràn lan hàng giả vẫn không được cải thiện, niềm tin vào cơ quan quản lý của người dân suy giảm. Thậm chí, uy tín đối với đối tác nước ngoài nhập khẩu nông sản nước ta cũng bị giảm sút do nông sản không đạt chất lượng.
Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trước mắt, chưa có con số nào thống kê đầy đủ về thiệt hại của phân bón giả, thuốc BVTV giả, kém chất lượng do chúng ta chưa thống kê được đầy đủ các vụ vi phạm của 2 loại vật tư này (khối lượng của các loại vật tư này là vô cùng lớn nhưng khối lượng, số lượng mà chúng ta kiểm soát được là rất nhỏ). Hơn nữa, do tác động của những loại vật tư này đối với sản xuất diễn ra ở nhiều góc độ, kể cả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường… nên chưa có số liệu nào đánh giá một cách đầy đủ, do đó thiệt hại là rất lớn.
TS. Bộ phân tích: “Người tiêu dùng thường có suy nghĩ, hàng rẻ là hàng kém chất lượng. Vì thế, không ít người đã dùng “chiêu” kinh doanh mới bằng cách nâng giá hàng giả, hàng kém chất lượng lên nhằm tạo niềm tin rằng “hàng đắt là hàng có chất lượng”. Chẳng hạn, hàng thật thì được người ta chiết khấu 2.000 đồng/chai, trong khi hàng nhái, kém chất lượng, chiết khấu tới 8.000 đồng/chai. Đây là sự hấp dẫn khó cưỡng, cách mà một số DN buôn bán hàng giả đã sử dụng để khuyến khích người bán hàng giả tiêu thụ hàng của họ. Do vậy, chúng ta rất dễ bị ngộ nhận giữa giá trị và chất lượng của sản phẩm”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ: “Không chỉ riêng Việt Nam, mà trên thế giới cũng có tình trạng phân bón và thuốc BVTV giả. Theo các chuyên gia kinh tế nước ngoài, việc này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng”.
“Lỗ hổng” trong công tác quản lý
Nhiều chuyên gia cho biết, các DN vi phạm chủ yếu là những DNNVV, đăng ký thời gian kinh doanh rất ngắn, bán được một lô hàng xong thậm chí xóa sổ thành lập dưới một cái tên khác. Như vậy, có xử phạt, có rút giấy phép thì cũng khó có thể ngăn chặn triệt để vấn nạn này.
PGS. TS. Nguyễn Văn Bộ nói: “Dư luận rất bức xúc khi chứng kiến tình trạng vật tư nông nghiệp giả tràn lan trên quy mô, phạm vi lớn ngoài thị trường. Rõ ràng, còn có những lỗ hổng lớn về công tác quản lý. Chúng ta đang tập trung quản lý phần ngọn, tức là quản lý vật tư khi đã lưu thông trên thị trường mà chưa quản lý ngay từ đầu vào, tức là kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của các DN. Nếu chúng ta xử lý từ gốc thì sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc quản lý chất lượng các loại phân bón, vật tư như hiện nay”.
Thực tế cho thấy, ngoài 2 lĩnh vực BVTV và thú y đều có luật, nhưng riêng với phân bón mới chỉ có Nghị định 202 sửa đổi và thay thế Nghị định 113. Ngoài ra, các văn bản về quy phạm pháp luật chưa đủ mạnh. Sự phân công về quản lý nhà nước vẫn đang chồng chéo: Bộ Công thương quản lý về phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về phân bón hữu cơ và các phân bón khác. Như vậy, các sản phẩm trung gian sẽ tạo ra sự khó khăn cho sự phối hợp giữa các bộ, tạo kẽ hở khiến các DN kinh doanh phân bón lợi dụng.
PGS. TS. Nguyễn Văn Bộ nhận định: “Hệ thống quản lý nhà nước hiện rất mỏng. Kèm theo đó, để khẳng định được sản phẩm là kém chất lượng hay bị làm giả, phải có số liệu so sánh và số liệu phân tích yêu cầu phải chính quy. Trong khi chúng ta chưa có phòng thí nghiệm có thể kết luận chính xác, kịp thời, nhanh nhất về mặt chất lượng để có cơ sở xử phạt hành chính hay truy tố trách nhiệm hình sự”.
Theo thống kê, phân bón giả, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, mỗi năm gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp khoảng 800 triệu USD và đe dọa cuộc sống của khoảng 15 triệu người dân. |
Thiên Đức – Duy Thế