BHXH Việt Nam hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19
Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19

Trước đó, ngày 28/02/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Quyết định 171/QĐ-BHXH về việc ban hành Chương trình hành động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 11/NQ-CP gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023.

Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách, giải pháp nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Đồng thời, xem xét đưa bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B để đảm bảo cân đối giữa việc sử dụng ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ. Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng. Xây dựng lộ trình và giao chỉ tiêu cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện vận động, khuyến khích người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2022 phấn đấu đạt khoảng 37%-38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số. Năm 2023 phấn đấu đạt khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số. Đẩy mạnh thanh toán điện tử, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 60% số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị;

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính; thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các tổ chức, đơn vị liên quan. Đảm bảo hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tiếp nhận trong năm được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/04/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Cùng với đó, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch theo lộ trình liên quan đến việc chuyển đổi số trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

Việt Anh