Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 đã kiểm tra đột xuất và phát hiện vào ngày 28 tháng 9 năm 2023, tại cơ sở kinh doanh của ông Phạm Trung Dương, địa chỉ Tổ 7, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện bên trong cơ sở kinh doanh có 58 thùng (mỗi thùng 08kg, với giá bán là 190.000 đồng/thùng) bột giặt có nhãn bằng tiếng nước ngoài không thể hiện nguồn gốc nơi sản xuất, có gắn nhãn hiệu “Tidde và hình” trên vỏ thùng; kiểm tra, so sánh, đối chiếu ban đầu 58 thùng bột giặt này, mặt dù nhãn hiệu ghi thêm một ký tự “d”, nhưng không tạo nên sự khác biệt đối với nhãn hiệu bột giặt “Tide” đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Xét thấy số hàng hóa này có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ để xác minh làm rõ.
Qua xác minh, làm việc với đại diện chủ thể quyền của nhãn hiệu “Tide” đang được bảo hộ tại Việt Nam, từ các tài liệu, chứng cứ có được và căn cứ quy định của pháp luật.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã kết luận toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bột giặt Tide đang được bảo hộ tại Việt Nam, lập hồ sơ chuyển người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ban hành quyết định xử phạt 16.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ 58 thùng bột giặt nên trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, theo Điều 213, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Tâm An