Sáng 29/6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định cho biết, đêm 29/6, đơn vị đã phối hợp  với Cục quản lý thị trường, kiểm tra 2 kho hàng ở đường Tô Hiệu (TP. Quy Nhơn), phát hiện hơn 188 bình chứa đầy khí N20 (còn gọi "khí cười"). Trong đó, 148 bình còn nguyên seal, cùng nhiều máy móc, thiết bị dùng cho việc sang chiết.

Chủ các kho hàng trên là đối tượng Vũ Hoàng Kiên (SN 2002, quê Hải Phòng).

Theo nhà chức trách, kho được che chắn kỹ lưỡng, bên trong làm vách ngăn ngụy trang cho các bình khí, mục đích là lưu trữ và sang chiết khí để đưa ra thị trường tiêu thụ tại các điểm ăn chơi ở TP. Quy Nhơn.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng để tiếp tục xác minh, xử lý.

Các bình khí còn nguyên seal.
Các bình khí còn nguyên seal

“Bóng cười” (còn gọi là “funky ball”), thực chất là quả bóng bay được bơm khí N2O, chất khí này khiến người hút có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười, có vị ngọt, không màu. Khi bơm vào bóng bay, gọi là bóng cười. N2O được sử dụng để giải trí từ thế kỷ XVIII, được dùng cho y tế vào đầu thế kỷ XX với tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sỹ, bác sỹ sản khoa, bác sỹ thể thao sử dụng trong một số trường hợp.

Bóng cười du nhập vào nước ta từ nhiều năm trước, dù các lực lượng chức năng đã liên tục kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, những hệ lụy do bóng cười vẫn đang là nước mắt sau những “cuộc vui”.

Trông tưởng như bình thường, nhưng chơi và hít hơi bóng cười lại ẩn chứa nhiều mối nguy hại. Trên thế giới, khí cười được phép sử dụng trong y tế với một liều lượng nhất định theo chỉ định của bác sỹ. Với nhiều phương pháp gây tê khác, bệnh nhân cần có thời gian nhất định để nghỉ ngơi và hồi sức. Mặc dù khí cười dùng trong y tế khá an toàn và chủ yếu được thực hiện trong các thủ thuật nha khoa, sản khoa, thể dục - thể thao, song không phải đối tượng nào cũng có thể dung nạp khí cười.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Nhưng xu hướng sẽ tăng liều dần và gây nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp.

“Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong. Với những người đang lái xe có dùng bóng cười sẽ rất nguy hiểm”, bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.

Tại nhiều bệnh viện trên cả nước, cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện liên quan đến việc sử dụng bóng cười như trường hợp một thanh niên 21 tuổi ngộ độc do hít bóng cười sau khoảng 6 tháng hít bóng cười liên tục. Theo lời kể của bệnh nhân, hầu như ngày nào anh này cũng hít hàng chục quả bóng cười vì cảm thấy nó rất... sảng khoái “đã đời”. Không chỉ hít bóng cười, anh này còn mua cả một bình bơm bóng loại 5 kg giá hơn 1 triệu đồng để bơm bóng cười hít tại nhà.

Sau một thời gian, bệnh nhân thấy có biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì 2 bàn tay, đôi lúc có cảm giác tê bì lan đến ngực nên đi khám bệnh. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc khí do hít bóng cười.

Theo các chuyên gia, khi hít khí bóng cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác dẫn đến kích thích, hưng cảm thời gian ngắn, sau đó an thần, nặng có thể mất ý thức, loạn nhịp tim, tụt huyết áp… Hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn, có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy…

Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở. Khi người sử dụng khí cười ngừng thở, thở nông hoặc thở quá chậm không kịp đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể thì sẽ mắc phải chứng thiếu oxy - thường do người dùng bóng cười quá buồn ngủ. Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp của N2O nhưng đó là sự thật.

Tình trạng giảm oxy quá lâu mà không được phát hiện, sẽ xảy ra tổn thương não và tử vong. Dữ liệu do các nhà khoa học Anh công bố cho biết, khí cười đã được xác định là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp tử vong tại nước này.

Thiên Trường