LTS: Hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng 15/03, Thương hiệu & Công luận chuyển đến bạn đọc những thông tin nhiều shop thời trang lớn tại Thanh Hóa bán hàng không nguồn gốc xuất xứ. Và, cung cấp cho người tiêu dùng biết, Quyền của Người tiêu dùng như thế nào, Người tiêu dùng ứng xử như thế nào trước những thông tin sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ.
Bài viết Người tiêu dùng có cần biết Quyền của người tiêu dùng không? https://thuonghieucongluan.com.vn/bai-1-nguoi-tieu-dung-co-can-biet-quyen-cua-nguoi-tieu-dung-khong-a164978.html,được đăng tải 13h, ngày 11/03.Bài viết Người tiêu dùng có những Quyền gì?https://thuonghieucongluan.com.vn/bai-2-nguoi-tieu-dung-co-nhung-quyen-gi-a165044.htmlđược đăng tải 06h 30, ngày 12/03 chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của độc giả.Bài viết Người tiêu dùng trong "ma trận" nhập nhèm hàng tiêu dùng thật – giả giống nhau thì xử lý như thế nào? https://thuonghieucongluan.com.vn/bai-3-nhap-nhem-hang-tieu-dung-that-gia-giong-nhau-y-duc-a165138.html,đăng lúc 4h34 ngày 13/03 cũng nhận được phản hồi tích cực của độc giả. Độc giả cảm ơn Thương hiệu & Công luận đã giúp họ có kiến thức, biết Quyền của mình và cách thức để trở thành người tiêu dùng thông thái.
Muôn hình vạn trạng các sản phẩm “bốn không”
Trong quá trình thu thập thông tin để viết loạt bài liên quan đến những mặt hàng có dấu hiệu làm giả, làm nhái, không nguồn gốc xuất xứ và có dấu hiệu trốn thuế, không có hóa đơn chứng từ đang được bày bán công khai tại các cửa hàng, shop thời trang trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, PV Thương hiệu & Công luận không khỏi bất ngờ khi “mục sở thị” nhiều địa điểm kinh doanh đều có đặc điểm chung “bốn không”: Không có tem mác; không có thông tin về sản phẩm; không nguồn gốc xuất xứ và thậm chí không có cả giá niêm yết.
Câu hỏi đặt ra là tại sao dưới sự vào cuộc tích cực đồng bộ, triển khai nhiều phương án, kế hoạch cụ thể trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; sự kết hợp chặt chẽ, thường xuyên liên tục giữa Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa và các lực lượng chức năng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ và thị trường mà hàng giả, hàng nhái, không có nguồn gốc xuất xứ vi phạm các quy định về nhãn phụ vẫn có chỗ “trú chân” ở mảnh đất xứ Thanh?
Theo phản ánh của bạn đọc, PV Thương hiệu & Công luận đã đi khảo sát thực tế tại một số địa chỉ thời trang tại TP. Thanh Hóa.
Shop thời trang Girl Xinh, địa chỉ tại số 237 Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa bày bán phong phú nhiều mẫu mã hàng hóa, đa dạng về chủng loại dành cho cả nam và nữ và là địa chỉ quen thuộc của giới trẻ cũng như nhiều người tiêu dùng khi cần tìm mua các sản phẩm thời trang.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hầu hết các mặt hàng quần áo, phụ kiện, giày dép, túi xách tại đây đều có dấu hiệu không nguồn gốc xuất xứ, thậm chí không có luôn tem mác lẫn thiếu các thông tin về sản phẩm.
Theo Điều 3, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP từ ngày 15/10/2020 kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt cao nhất lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân. Cũng theo nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định mức hình phạt lên đến 30 triệu đồng nếu người đầu tư, kinh doanh cố tình che giấu thông tin hoặc hủy hoại thông tin nhằm che dấu kế hoạch đầu tư, thẩm định, theo dõi của cơ quan chức năng.
Nhiều sản phẩm không ghi đơn vị nhập khẩu, nghi vấn hàng lậu, có dấu hiệu trốn thuế
PV Thương hiệu & Công luận tiếp tục ghé thăm cửa hàng thời trang Nam Thảo Kids tại số 180 Tống Duy Tân, TP .Thanh Hóa.
Theo quan sát của PV hầu như các sản phẩm quần áo ở đây đều được gắn thêm mác mang tên cửa hàng, giá bán, địa chỉ và số điện thoại; còn thông tin sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ thì không có.
Tại khu vực gian hàng trưng bày quần áo, đồ chơi trẻ em, PV đã phát hiện vô số những sản phẩm có tem nhãn chữ Trung Quốc mà không có nhãn phụ, cũng không thấy ghi thông tin của đơn vị nhập khẩu, mà chỉ thấy gắn mác giá sản phẩm.
Cũng không khó để nhìn thấy các sản phẩm vật dụng, đồ chơi trẻ em cũng là các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày la liệt trên kệ. Ngoài giá tiền ra thì người tiêu dùng không thể biết thêm được thông tin gì khác.
Lợi nhuận khủng từ bán hàng không nguồn gốc xuất xứ, liệu đây có phải là nguồn thu bất hợp pháp?
Tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.
Việc nhập lậu, buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, làm giả các thương hiệu thời trang lớn sẽ tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung, khiến cho các thương hiệu nội địa, các thương hiệu mới không thể lớn mạnh vì không được người tiêu dùng ủng hộ, vô tình tạo điều kiện cho sự thống trị của các thương hiệu quốc tế “nhái” tại Việt Nam.
Việc làm này gây thất thoát lớn cho kinh tế đất nước, làm cho người tiêu dùng dần mất đi khả năng phân biệt và lựa chọn sản phẩm thật giả, có tâm lý chấp nhận thỏa hiệp với hàng nhái, mất niềm tin vào các sản phẩm chất lượng.
Bạn đọc băn khoăn vấn đề lợi nhuận thu được từ bán quần áo, bán đồ nhái, không nguồn gốc xuất xứ là rất lớn. Vậy lợi nhuận đó có phải là nguồn thu bất hợp pháp của chủ cửa hàng hay không? Vì lợi nhuận nói trên lên đến hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng, và đó có phải là hành vi trốn thuế không? Những câu hỏi đó xin dành cho các cơ quan quản lý vào cuộc, làm rõ những vấn đề này.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo.
Tiến Minh- Khánh Dương