Bất chấp các quy định, cố tình không niêm yết giá
Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng cao, nhu cầu xét nghiệm nhanh và tự điều trị bệnh của người dân tại cộng đồng tăng mạnh khiến thị trường hàng hóa vật tư, thiết bị y tế, nhất là kit test, thuốc điều trị Covid-19 trở nên vô cùng “nóng”.
Dù, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh thuốc, vật tư y tế trên địa bàn yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật. Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường cũng nêu cao tinh thần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, nhất là những hành vi vi phạm không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết, giá kê khai; lợi dụng tình hình dịch, khan hiếm hàng hóa để tự định giá, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý; găm hàng, đầu cơ, tích trữ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, hàng giả…
Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế của PV Thương hiệu & Công luận, tình trạng các cơ sở kinh doanh, nhà thuốc bất chấp các quy định của pháp luật, không thực hiện việc niêm yết giá vẫn rất nhiều.
Có mặt tại nhà thuốc Đại An, địa chỉ số 224, đường Tống Duy Tân, TP. Thanh Hóa vào ngày 05/03, dù ở đây đang bán công khai rất nhiều mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, sát khuẩn tay…Thế nhưng PV hoàn toàn không ghi nhận thấy có bảng giá niêm yết bất cứ mặt hàng nào.
Tại nhà thuốc tiện lợi Pharmacity tại địa chỉ số 233 Lê Hoàn, TP. Thanh Hóa, khách hàng cũng khó để biết được giá cả các loại sản phẩm thuốc đang được bày bán tại đây, kể cả sản phẩm thực phẩm chức năng vì không có bảng giá niêm yết.
Nhà thuốc Tốt Tốt tại số 83, đường Quang Trung, TP. Thanh Hóa, đây là một trong những nhà thuốc lớn, khá nhiều người tin tưởng trên địa bàn TP. Thanh Hóa, thế nhưng theo phản ánh của khách hàng, ở đây cũng không niêm yết giá bất cứ một mặt hàng nào. Dù là khẩu trang y tế, kit test nhanh, nước muối sinh lý, hay Betadine súc miệng…
Nhà thuốc GPP số 1- Chi nhánh dược phẩm Quang Trung tại địa chỉ số 93 Quang Trung, phường Ngọc Trạo, TP. Thanh Hoá cũng có chung tình trạng trên.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 117 năm 2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, nếu hiệu thuốc không niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam hoặc niêm yết không đầy đủ, không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng tại nơi bán thuốc thì bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng.
Không chỉ riêng vấn đề các nhà thuốc không chấp hành nghiêm các quy định về niêm yết giá cả các mặt hàng. Ngay sau khi Thương hiệu & Công luận có bài viết “Phòng khám Đa khoa Medic Sầm Sơn niêm yết một đằng, thu tiền một nẻo” phản ánh nhiều bất cập trong thu phí test nhanh, rất nhiều bạn đọc đã gửi lời cảm ơn đến quý báo. Đồng thời, độc giả tiếp tục phản ánh nhiều vấn đề bức xúc tại các cơ sở Y tế tư nhân khác trên địa bàn đang phớt lờ Công điện 286 của Bộ Y tế đã gửi đến UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến vấn đề không niêm yết công khai giá dịch vụ.
Qua phản ánh của bạn đọc, PV Thương hiệu & Công luận có mặt tại Phòng khám Đa khoa Hải Ngoại, địa chỉ tại Thôn 8, xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá.
Tại đây, sau khi nói có nhu cầu test nhanh Covid-19, người dân được nhân viên phòng khám tư vấn các gói test sẽ dao động từ 100.000- 150.000 đồng/xét nghiệm. Khi được hỏi tại sao không niêm yết giá, nhân viên tại phòng khám cố tình lảng tránh câu trả lời. Lý giải cho nguyên nhân giá test nhanh Covid- 19 tại phòng khám cao hơn các Trung tâm Y tế huyện, thị thì nhân viên này tuyên bố hùng hồn “giá test ở đây cao hơn vì chúng tôi dùng que test Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, còn các trung tâm y tế huyện, thị khác họ dùng que test của Trung Quốc nên mới rẻ thế”?.
Suốt quá trình thu nhận mẫu và làm việc, nhân viên phòng khám không hề mặc đồ bảo hộ lẫn mang găng tay y tế. Sau khi lấy mẫu test nhanh, nhân viên phòng khám mang toàn bộ mẫu vào bên trong và yêu cầu đợi 15 phút sẽ trả kết quả. Tuy nhiên, khi trả kết quả, ngoài hoá đơn có ghi chữ “test Hàn Quốc” thì PV không được biết bên trong thực hư có thật là phòng khám đã sử dụng kit test Hàn Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ như lời nhân viên nói hay không.
Công điện 286/CĐ-BYT ngày 03/03/2022 nêu rõ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo quyết liệt các nội dung như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo nội dung tại Công văn số 729/BYT-TTrB ngày 18/02/2022 của Bộ Y tế. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid- 19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ thực hiện niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm này đến người dân.
Không chỉ tại Phòng khám Đa khoa Hải Ngoại đang thu test nhanh 150.000 đồng/xét nghiệm và không niêm yết giá công khai theo Công điện của Bộ Y tế. Mà rất nhiều các hiệu thuốc trên địa bàn huyện Quảng Xương, PV cũng ghi nhận tình trạng hầu như tất cả các cửa hàng đều không niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2.
Câu hỏi về chất lượng cũng như giá thành các sản phẩm như thế nào xin được gửi tới các cơ quan chức năng có câu trả lời đến người dân.
F0 lạc vào "ma trận" thuốc chữa Covid-19: Từ "bác sĩ mạng" đến chợ thuốc Facebook
Thời điểm này, trên mạng xã hội tràn lan các mặt hàng thiết bị y tế, dược phẩm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Dạo một vòng trên các hội, nhóm lớn trên mạng Facebook, Zalo tại Thanh Hóa, “đập” vào mắt người tiêu dùng là các quảng cáo về các sản phẩm kit test nước bọt, kit test dịch hầu họng, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 & nhịp tim... Nhiều tài khoản Facebook rao bán các mặt hàng này dù bản thân người bán không phải là bác sĩ hay người có chuyên môn trong lĩnh vực y tế.
Không chỉ “muôn hình vạn trạng” trong thị trường kit test nhanh, trên mạng xã hội cũng có rất nhiều người đăng bán các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân F0. Nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, không có đăng ký lưu hành, không được kiểm soát về chất lượng, giá cả… được quảng cáo, rao bán tràn lan gây rối loạn thị trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Không chỉ nguy hiểm, những đơn thuốc không rõ nguồn gốc và chất lượng còn gây nhiễu loạn thông tin, khiến các F0 không biết chính xác nên sử dụng thuốc như thế nào.
Nhiều cửa hàng và các shop bán hàng online quảng cáo, bày bán các sản phẩm là thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ và điều trị Covid-19 “xách tay” nhập từ nước ngoài, không có phụ nhãn tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng và lưu hành… làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho sức khỏe người dân, giảm hiểu quả phòng, chống dịch.
Cần xử lý nghiêm
Việc kinh doanh kit test, thuốc điều trị Covid-19 là vấn đề "nóng" trong phòng, chống dịch bệnh. Nếu cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ vấn đề này thì với những mặt hàng không đảm bảo chất lượng (xuất xứ không rõ ràng, chưa được lưu hành hoặc không được vận chuyển, bảo quản đảm bảo từ nhà sản xuất, nhà phân phối hợp pháp) hay từ người bán không có chuyên môn về y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phòng chống dịch khi người dân mua về sử dụng.
Theo quy định của Nghị định 98/2021 và các văn bản của Bộ Y tế, bộ kit test Covid-19 thuộc nhóm C, D có mức độ rủi ro "trung bình cao" hoặc cao; để kinh doanh thì phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 40, không được kinh doanh như hàng hóa thông thường theo quy định tại Điều 42 và phải hoàn thành thủ tục như quy định tại Điều 41 nghị định này. Chỉ được mua bán các loại sinh phẩm/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Bộ Y tế cấp phép lưu hành và phải mua từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được công bố theo quy định) để phục vụ nhân dân.
Trước tình trạng thuốc, vật tư y tế, thực phẩm chức năng bị bán tùy tiện, bán hàng không có nhãn phụ đối với sản phẩm 100% chữ nước ngoài, hàng kém chất lượng, trà trộn bán hàng không chính hãng, hàng không có tem mác. Việc tự ý tăng giá, không niêm yết giá bán là hành vi đáng bị lên án trong lúc dịch bệnh đang căng thẳng như hiện nay.
Để nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng nói trên, đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra các nội dung liên quan như: Việc thực hiện các quy định của Nhà nước về lĩnh vực hoạt động kinh doanh, thủ tục hành chính, các vật tư, trang thiết bị y tế liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại quầy thuốc như hóa đơn chứng từ, việc niêm yết giá, kit test nhanh, các loại khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay, trang thiết bị y tế phục vụ trong phòng, chống dịch bệnh và các sản phẩm chức năng hỗ trợ.
Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa và các cơ quan chức năng có liên quan cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các nhà thuốc, cơ sở y tế tư nhân đang trà trộn bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá bán và lên án hành vi trục lợi từ dịch bệnh nếu có.
Lê Nam- Hoài Thu