Trong thời gian vừa qua, thực hiện Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; công tác quản lý, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản được thực hiện hiệu quả, hàng hóa lưu thông thuận lợi, phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng và có giá cả phù hợp; không xảy ra các hiện tượng đứt gãy nguồn hàng, găm hàng, sốt giá; qua đó, phục vụ đầy đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Tuy nhiên, thời điểm sau Tết, thị trường trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là giá dầu thô thế giới và giá bán lẻ sản phẩm xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, đã xuất hiện tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh.
Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm mới trong cộng đồng tăng mạnh, số bệnh nhân nguy kịch, tử vong có chiều hướng gia tăng; đến ngày 25/02/2022, số người nhiễm Covid-19 toàn tỉnh (tính từ ngày 27/04/2021) là 40.282 người, trong đó có 58 bệnh nhân đã tử vong.
Hiện nay, nhu cầu về các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế và thuốc tân dược phục vụ phòng, chống và điều trị Covid-19 tăng cao với những diễn biến bất thường trên thị trường: Một số cơ sở kinh doanh, cửa hàng thuốc tân dược lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhu cầu tăng cao của người dân để găm hàng và tăng giá; nhiều cửa hàng và các shop bán hàng online quảng cáo, bày bán các sản phẩm là thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ và điều trị Covid-19 “xách tay” nhập lậu từ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng và lưu hành…; làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch.
Để đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị; cung ứng đầy đủ, liên tục các mặt hàng xăng dầu, trang 2 thiết bị vật tư y tế, thuốc phòng, chữa bệnh Covid-19; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi - Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tại các văn bản có liên quan.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường theo lĩnh vực phân công, địa bàn phụ trách; đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hoá thông suốt, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ trục lợi, găm hàng, chờ tăng giá hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Kịp thời nắm bắt thông tin khi xuất hiện tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm.
Công an tỉnh tăng cường hoạt động điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không được phép lưu hành, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại, nhất là hành vi đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính trong tình huống dịch bệnh và thị trường khan hiếm.
Đối với công tác quản lý thị trường trang thiết bị vật tư y tế và thuốc tân dược phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị Covid-19, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài chính và cơ quan, lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của các ngành, các cấp có liên quan; trong đó tập trung Chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hoà ôxy trong máu SpO2...), dược phẩm, thuốc chữa bệnh Covid-19 trên địa bàn chủ động có kế hoạch tăng cường sản xuất, kinh doanh, cung ứng đủ các sản phẩm, hàng hóa theo nhu cầu sử dụng của người dân, thực hiện bình ổn giá; không bán hàng cho các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu tăng cao, gây khan hiếm thị trường...
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc quy định về công tác báo cáo kết quả phát hiện, kiểm tra, xử lý các vụ việc có liên quan đến các nội dung chỉ đạo nêu trên và khó khăn, vướng mắc (nếu có); gửi về Cục Quản lý thị trường tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh để tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo.
Lê Nam