Với mục tiêu là đến năm 2020, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 4.500 ha, sản lượng đạt trên 60.000 tấn; năm 2025, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 7.000 ha, sản lượng nuôi đạt trên 110.000 tấn, việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội, mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân ven biển.

Tổng cục Thuỷ sản cho biết, phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát nhằm khai thác tiềm năng, tận dụng vùng đất cát tại khu vực ven biển miền Trung để tạo ra sản phẩm tôm nước lợ có giá trị cao, khối lượng sản phẩm lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân ven biển.

Phát huy tiềm năng nghề nuôi tôm trên cát - Hình 1

Việc nuôi tôm trên cát góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho người dân vùng ven biển

Tôm nước lợ là đối tượng nuôi chồng thủy sản chủ lực, có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội, đặc biệt là các địa phương ven biển. Hiện kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành với tỷ lệ khoảng 45%  tổng giá trị. Trước diễn biến của thay đổi khí hậu và xâm nhập mặn, tôm nước lợ đã nổi lên như một sản phẩm đầy tiềm năng, và lợi thế phát triển.

Khu vực duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh thành, trải dài trên 1,800km bờ biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Tổng diện tích đất cát các tỉnh miền Trung là khoảng 100,000 ha.

Quan điểm của Tổng cục Thuỷ sản là chỉ quy hoạch nuôi tôm trên cát ở những nơi có thể chủ động được nguồn nước ngọt tầng mặt phục vụ sản xuất nhằm hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm.

Đầu tư nuôi tôm trên cát phải đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động mạnh và tiêu cực đến sản xuất, đặc biệt là hiện tượng hạn hán, thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, cần áp dụng quy trình công nghệ mới, công nghệ cao, tiên tiến để tiết kiệm nguồn nước ngọt.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Trong chiến lược phát triển ngành hàng tôm Việt Nam thì khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có vai trò và tiềm năng quan trọng để phát triển, nhất là đối với nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên vùng này cũng còn có những thách thức. Do vậy, nếu làm tốt đúng quy trình, có kinh nghiệm, chịu đầu tư thì sẽ cho năng suất, hiệu quả cao. Nếu chúng ta đồng lòng, thì nghề nuôi tôm trên cát chắc chắn sẽ thắng lợi”.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước có diện tích nuôi tôm nước lợ gần 696.000 ha, tổng sản lượng đạt trên 657.000 tấn xuất khẩu sang 90 thị trường ngoài nước và đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Nuôi tôm trên cát góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đem lại thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, ở Khu vực duyên hải miền Trung có tổng diện tích nuôi tôm trên cát đạt 4.500 ha trong đó có trên 50% được đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi; sản lượng đạt  trên 60.000 tấn, năng suất trung bình đạt trên 12 tấn/ha mặt nước/vụ. Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm trên cát đạt 7.000 ha trong đó có trên 70% được đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi; sản lượng đạt trên 110.000 tấn, năng suất trung bình đạt trên 15 tấn/ha mặt nước/vụ…

Đến năm 2016, cả nước có 14 tỉnh thành ven biển miền Trung đang nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 3.734ha, sản lượng đạt 41.705 tấn. Năng suất nuôi tôm trên cát ở các tỉnh miền Trung cao hơn năng suất bình quân của cả nước (trung bình khoảng 10 - 14 tấn/ha). Hoạt động nuôi tôm trên cát đã và đang góp phần quan trọng vào đời sống kinh tế - xã hội, đem lại việc làm, thu nhập cho một bộ phận lớn người dân nghèo ven biển.

Ngọc Linh