Trong khuôn khổ Festival lúa gạo năm 2023, sáng 12/12, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức phát động đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Lễ phát động triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là hoạt động trong chuỗi sự kiện của Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, với chủ đề “Gạo xanh- Sống lành”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tuyên bố phát động và khẳng định: Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa và Đề án này chính là từng nấc thang đưa “người trồng lúa” đến với “sự thịnh vượng”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát động người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát động người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Trong quá trình triển khai đề án, các địa phương ĐBSCL sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: Chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả, tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo, khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo... Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Bộ NN&PTNT trong quá trình triển khai thực hiện Đề án: “Ngân hàng thế giới đồng hành với bộ phát triển bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển 1 triệu hecta lúa trên canh chất lượng cao. Chúng tôi tin tưởng với đề án 1 triệu ha lúa này chúng ta sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân Việt Nam cho nền nông nghiệp của Việt Nam đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Khi chúng ta giảm được 25% chi phí sản xuất thì cũng giúp đồng thời tăng sản lượng 10% và điều này tổng thể sẽ mang lại lợi nhuận tăng lên 30% cho nông dân. Chính phủ Việt Nam đã đi rất đúng hướng thông qua những cái kinh nghiệm mà các nước khác trên thế giới đã trải qua”.

Bà Carolin Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết WB sẽ đồng hành với Việt Nam trong thực hiện Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải carbon.
Bà Carolin Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết WB sẽ đồng hành với Việt Nam trong thực hiện Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải carbon.

Theo Đề án được phê duyệt, ngoại trừ tỉnh Bến Tre không tham gia thì 12 tỉnh/thành vùng ĐBSCL sẽ tham gia thực hiện đạt 1 triệu hecta lúa chất lượng cao.

ĐBSCL là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 -25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Trong nhiều năm qua, với sự mạnh dạn trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ngành lúa gạo của ĐBSCL đã thu được nhiều thành công và góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt là thông qua dự án VnSAT, người dân trồng lúa tại đây đã dần quen thuộc với các quy trình canh tác bền vững, hướng tới giảm phát thải, đã bước đầu đo đạc được lượng khí phát thải từ sản xuất lúa. Tuy nhiên, hiện nay ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình”.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và bà Carolin Turk, đại diện WB tại buổi lễ - Ảnh: V.K.K
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và bà Carolin Turk, đại diện WB tại buổi lễ. Ảnh V.K.K.

Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp, trong đó có lúa gạo. Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.

Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính từ bối cảnh ấy, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành.

Tại lễ phát động, 12/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đăng ký tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải carbon
Tại lễ phát động, 12/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đăng ký tham gia Đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải carbon.

Minh An(t/h)