Phát triển chăn nuôi phải có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cụ thể đối với từng thị trường - Hình 1

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản đề nghị việc phát triển chăn nuôi phải có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm cụ thể đối với từng thị trường

Ngày 26/6, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) có văn bản gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, TP triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững.

Theo đó, mặc dù đã có chủ trương, chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền tuy nhiên, việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là vấn đề lâu dài bởi để xuất khẩu được vào Trung Quốc cần có sự cam kết, thỏa thuận giữa cơ quan chuyên môn của hai nước và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nước này đưa ra. Hơn nữa, việc xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang Trung Quốc thường phải là sản phẩm đông lạnh được giết mổ và đảm bảo đúng quy trình, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng ATTP và truy xuất nguồn gốc.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ thì năm 2017 nhu cầu nhập khẩu thịt lợn, thịt bò của Trung Quốc sẽ vào khoảng 2,4 - 2,6 triệu tấn thịt lợn xẻ và khoảng 1 triệu tấn thịt bò xẻ. Tất cả đều ở dạng đông lạnh để bù đắp phần thiếu hụt sản xuất trong nước.

Đối với tình hình chăn nuôi trong nước, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, do giá thịt lợn hơi trong nước tăng cao từ cuối năm 2013 đến cuối năm 2016 nên nhiều công ty lớn đã đầu tư vào chăn nuôi lợn. Tuy nhiên đa số các DN chưa hình thành chuỗi giá trị thịt lợn từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối. Một số DN có giết mổ công nghiệp nhưng chưa đầu tư hệ thống kho mát và kho đông lạnh để bảo quản sản phẩm mà chủ yếu xuất bán thịt lợn tươi ở thị trường trong nước nên khó đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về thịt lợn xuất khẩu chính ngạch.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, Cục Chăn nuôi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP hướng dẫn cho DN lớn phát triển chăn nuôi lợn từ 1.000 nái bố mẹ - nuôi thịt đến xuất chuồng và 30.000 lợn thịt trở lên phải cân nhắc kỹ các vấn đề: Đánh giá tác động môi trường, chăn nuôi theo chuỗi, có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa và lộ trình xuất khẩu.

Đối với chuỗi giá trị thịt bò, các DN chăn nuôi bò thịt từ 1000 bò sinh sản tới 5000 con bò thịt trở lên cần lưu ý nuôi bò sinh sản để từng bước chuẩn bị bò thịt vỗ béo. Đồng thời trồng cỏ, ngô đi kèm với công nghệ chế biến và các phụ phẩm làm thức ăn cho bò. Đặc biệt giết mổ công nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm thịt bò.

H. M