Bài 1: Thực trạng phát triển Đảng ở khu dân cư
Để triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức, xây dựng và phát triển Đảng ở địa bàn dân cư, phải nói rằng Đảng ta đã có nhiều giải pháp rất thiết thực như đưa các Đảng viên ở cơ quan UBND xã, phường về sinh hoạt Chi bộ nơi cư trú; các Đảng viên ở cơ quan đang công tác định kỳ lấy ý kiến của Chi bộ cơ sở địa phương. Thậm chí một số cơ quan, đơn vị trước khi bổ nhiệm lại còn lấy ý kiến nhân dân nơi cư trú. Hơn thế nữa, các Chi bộ hàng năm còn được bổ sung một số Đảng viên hưu trí, những công chức, viên chức từng công tác ở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… Điều đó đã tăng cường sức mạnh, sức chiến đấu của các Chi bộ Đảng…
Tuy nhiên qua thực tế khảo sát, công tác ở một số Chi bộ khu dân cư người viết bài này thấy công tác phát triển Đảng ở các chi bộ dân cư, Tổ Dân phố có một số khó khăn sau:
Trước hết phải nói đến công tác tạo nguồn để kết nạp ở khu dân cư hiện nay rất lúng túng vì hầu hết các tổ chức, đoàn thể ở địa phương như thanh niên, phụ nữ, nông dân… đều hoạt động không mạnh. Thậm chí nhiều thôn, tổ dân phố mất trắng, các chi Đoàn chỉ thành lập cho có chứ không hoạt động. Các Xã Đoàn, Đoàn Thanh niên phường… phần lớn tập trung vào các hoạt động hè, tổ chức một vài giải đấu để thu hút thanh niên đến với tổ chức nhưng số lượng nhỏ, mang tính phong trào không thường xuyên. Trong lúc các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài xã hội năng động, thay đổi thường xuyên đã lôi kéo thanh thiếu niên nhiều hơn…
Tuy nhiên quan trọng nhất là những biểu hiện sau khiến công tác phát triển Đảng ở khu dân cư thường vấp phải một số rào cản:
Ở một số Chi bộ, Đảng viên hưu trí nhiều, thường đặt yêu cầu cao đối với tầng lớp thanh niên đang muốn tìm hiểu vào Đảng. Họ cho rằng trước đây họ vào Đảng rất khó khăn, phải trải qua nhiều thử thách, nay thanh niên muốn vào Đảng dù không bằng những thử thách trước đây nhưng cũng không được bỏ qua, xem nhẹ. Từ đó khiến công tác kết nạp Đảng bị ngưng ngay từ khi đưa ra lấy ý kiến.
Về lý lịch, tuy hiện nay không đặt yêu cầu cao về những quan hệ nội ngoại, chỉ nhân thân là chính. Nhưng khi đưa ra xem xét, nhất là nông thôn, mối quan hệ này (Ông bà, chú bác, cô dì…) vẫn bị một số Chi bộ đưa ra trao đổi. Nếu cá nhân quần chúng nào có người thân đi định cư nước ngoài hay có một số vấn đề ở địa phương thì vượt qua không phải dễ dàng…
Ở khu dân cư thì vai trò của Bí thư Chi bộ rất quan trọng, nếu bí thư chi bộ kiêm luôn Tổ trưởng Dân phố hay trưởng thôn thì lại càng “to” hơn. Nếu chi đoàn hay các hội đoàn thể như nông dân, dân quân, bảo vệ dân phố phát hiện một quần chúng tốt muốn giới thiệu qua chi bộ xem xét thì cửa đầu tiên là Bí thư chi bộ. Nếu vị Bí thư này một lòng với công tác phát triển Đảng thì quá may mắn, nhưng nếu gặp Bí thư khó khăn lại đang có mâu thuẫn với gia đình đối tượng này hay chính bản thân quần chúng thì chắc chắn muốn vượt qua “cửa ải” này là cả vấn đề.
Tôi đã gặp một Bí thư như vậy ở xã L.T, huyện LT, tỉnh Quảng Bình. Cả 2 thanh niên đều có ý chí phấn đấu vào Đảng tốt, cả 2 đều là Dân quân xã, công tác tích cực, cả 2 đều tốt nghiệp Trung học phổ thông và có nguyện vọng công tác địa phương... Tuy cả 2 đều được xã Đoàn giới thiệu cho đi học lớp tìm hiểu về Đảng, nhưng năm đó chỉ tiêu kết nạp Đảng của Chi bộ chỉ là 01 người; đồng thời Chi bộ có ý định sẽ bổ sung một Đảng viên có trình độ vào Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nên quyết định của Chi bộ là kết nạp con của Bí thư trước, còn người kia thì để lại sang năm. Kết quả đối tượng kia thấy không công bằng, ra khỏi Dân quân, bỏ đi vào Nam kiếm việc làm…
Trường hợp khác ở một Tổ Dân phố, thuộc Thành phố Huế do thấy Chi bộ địa phương rất chậm trong công tác phát triển Đảng, 5 năm liền phát triển mỗi một Đảng viên nên Hội Nông dân của Phường tự bàn bạc với Bí thư chi bộ, giới thiệu một đối tượng mà Hội Nông dân nhắm đến đưa đi học lớp Đối tượng Đảng. Sau khi quần chúng này học xong, Bí thư mới đưa ra Chi bộ xin ý kiến cho viết lý lịch, cử người theo dõi, giúp đỡ. Việc làm từ trên “ấn” xuống này đã không được Chi bộ đồng ý, cho rằng nếu Hội Nông dân giới thiệu thì Hội Nông dân làm luôn đi còn Chi bộ không biết quần chúng này là ai!
Từ những thực trạng trên, nhằm tăng số lượng phát triển Ðảng ở địa bàn dân cư, các cấp ủy đảng cần chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tìm nguồn quần chúng để bồi dưỡng, giáo dục; có sự phối hợp tốt từ Đảng bộ đến các Chi bộ cũng như hội đoàn thể quần chúng; đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để quần chúng nhận thức về Ðảng, có động cơ phấn đấu vào Ðảng trong sáng; Đảng viên trong các Chi bộ dẹp định kiến cá nhân; phải coi công tác phát triển Ðảng viên là nhiệm vụ quan trọng của các Chi bộ địa bàn dân cư...
Bài 2- Phát triển Đảng trong khu dân cư cần coi trọng
Trần Minh Tích