Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tổng công suất hệ thống cấp nước là 2,9 triệu m3/ngày đêm (100.000 m3/ngày đêm từ nguồn nước ngầm). Giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 15,7%.
Tiếp tục duy trì 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Triển khai và hoàn thành quy hoạch cấp nước thành phố, giai đoạn dự kiến đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Cải tạo cấu trúc mạng lưới chuyển tải và phân phối. Phát triển hệ thống cấp nước thông minh. Lắp đặt thí điểm công trình cung cấp nước uống tại vòi ở các khu vực công công như công viên, trường học, bệnh viện...
Do đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ di dời điểm khai thác nước thô lên phía thượng lưu so với điểm khai thác hiện tại Hòa Phú: vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú hiện hữu khoảng 15 - 20 km, cách ngã ba sông Thị Tính - sông Sài Gòn khoảng 10 - 15 km về thượng lưu.
Điều này hạn chế tối đa các ảnh hưởng ô nhiễm nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ vào sông Thị Tính.
Đồng thời, khảo sát và xây dựng cụm hồ chứa nước thô số 1, với các hạng mục chính dự kiến: Công trình thu nước sông Sài Gòn, công suất 1 triệu m3/ngày đêm, chia làm 2 giai đoạn. Công suất mỗi giai đoạn 500.000 m3/ngày đêm. Kênh (hoặc ống) dẫn nước về cụm hồ chứa.
Cụm hồ chứa, tổng dung tích 10 triệu m3/ngày đêm, diện tích đất sử dụng khoảng 200 ha. Trạm bơm nước thô, công suất 1 triệu m3/ngày đêm, chia làm 2 giai đoạn. Công suất mỗi giai đoạn 500.000 m3/ngày đêm. Tuyến ống chuyển tải nước thô về hệ thống Hoà Phú - Tân Hiệp, dài khoảng 15 - 20km.
Bên cạnh đó, đánh giá nhu cầu dùng nước và tổ chức thực hiện nâng tổng công suất cấp nước của thành phố đạt 2,9 triệu m3/ngày đêm. Kiểm soát và điều phối được áp lực và lưu lượng tại bất cứ khu vực nào trong phạm vi cấp nước. Xây dựng hệ thống cấp nước có khả năng dự trữ nước sạch, để dự phòng cấp nước trong trường hợp sự cố. Xây dựng hệ thống cấp nước có khả năng khử trùng bổ sung, hạn chế tối đa việc tái ô nhiễm đường ống. Đồng thời kết hợp được và tối ưu hóa giảm thất thoát nước trên mạng lưới. Xây dựng hệ thống cấp nước được vận hành theo các vùng, khu vực áp lực. Trên hệ thống cấp nước thiết lập các trạm bơm tăng áp cùng với các bể chứa nước sạch.
Ngoài ra, giám sát cấp nước tại các khu vực đồng hồ tổng nhằm theo dõi nguồn cung nước hàng tuần. Đo tốc độ dòng chảy ban đêm nhằm xác định thất thoát nước vật lý hay thương mại. Thiết lập khu vực đồng hồ tổng (DMZ/DMA) nhằm xác định và giải quyết các điểm có tỷ lệ thất thoát cao. Lắp đặt van giảm áp để điều tiết áp lực. Thay thế đường ống bị rò rỉ, không đảm bảo yêu cầu…
Hoàng Bách (t/h)