Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ (Ảnh: internet)

Có 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch gồm: 1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; 2- Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KHCN; 3- Tái cơ cấu các chương trình KHCN quốc gia, nâng cao năng lực ứng dụng KHCN; 4- Phát triển tiềm lực KHCN; 5- Tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thị trường KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; 6- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN.

Trong đó, về nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KHCN, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm rà soát quy định pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý cần sửa đổi, bổ sung ban hành mới bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KHCN. Tiếp tục đổi mới đồng bộ cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động KHCN phù hợp với đặc thù của lĩnh vực KHCN và nhu cầu phát triển của ngành, địa phương, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu chủ yếu của hệ thống khoa học quốc gia.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Quỹ phát triển KHCN quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, đãi ngộ, trọng dụng phù hợp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan phát huy quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, khuyến khích nhiều doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các quỹ phát triển KHCN; thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách để gắn kết hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Về nhiệm vụ phát triển tiềm lực KHCN, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi quản lý được giao, có trách nhiệm quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khuyến khích phát triển doanh nghiệp KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN và chính sách thu hút cá nhân hoạt động KHCN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam.

Xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, thúc đẩy gắn kết viện, trường với doanh nghiệp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng các quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học phù hợp thông lệ quốc tế.

Các bộ, ngành, trong phạm vi quản lý được giao, có trách nhiệm đa dạng hóa đối tác và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KHCN có trọng tâm, trọng điểm, theo lĩnh vực ưu tiên; chú trọng khai thác, chuyển giao công nghệ từ các địa bàn có công nghệ nguồn; gắn kết giữa hợp tác quốc tế về KHCN với hợp tác quốc tế về kinh tế.

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt các hiệp định về KHCN và đổi mới sáng tạo đã ký, đồng thời ký kết và triển khai các hiệp định, thỏa thuận hợp tác mới theo hướng mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác KHCN với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược, các đối tác quan trọng có trình độ KHCN tiên tiến, sở hữu công nghệ nguồn; hỗ trợ giao lưu, trao đổi học thuật về KHCN tầm khu vực và quốc tế.

Hà Trần