7 nhóm giải pháp của tỉnh Nam Định
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc chia sẻ, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với sự phát triển của đất nước và của địa phương, trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Nam Định luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải tại các khu, cụm công nghiệp, hướng tới xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, xanh, bền vững, đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Theo công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 5/2024, tỉnh Nam Định đạt 27,75 điểm, tăng 15,35 điểm so với năm 2022.
Trong đó, có 3/4 chỉ số thành phần tăng điểm, gồm giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai, đảm bảo tuân thủ, chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ.
“Đây là nền tảng, tiền đề thuận lợi để Nam Định bước vào giai đoạn phát triển mới nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh.
Theo Bí Thư Tỉnh ủy Nam Định, Hội thảo nhằm chia sẻ các quan điểm về cách tiếp cận kinh tế xanh ở Việt Nam trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đề xuất các giải pháp về huy động nguồn lực đầu tư trong phát triển kinh tế xanh.
Qua đó, thu nhận các thông tin, bài học kinh nghiệm hữu ích từ các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và từ các doanh nghiệp; gợi mở ra hướng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng.
Tham luận tại Hội thảo, bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề xuất 7 nhóm giải pháp của tỉnh, gồm: Tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050...
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định về môi trường, kinh tế xanh.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên toàn tỉnh theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kết nối, tiếp cận với các chính sách về phát triển KTX.
Cuối cùng là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức...
Chuyển đổi kinh tế xanh đang là một xu thế tất yếu
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, phát triển kinh tế xanh hiện là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới. Tại Việt Nam, xây dựng nền kinh tế xanh đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Ông Lê Quốc Minh cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Quốc hội cũng đã ban hành, bổ sung, sửa đổi một số Luật liên quan đến tăng trưởng xanh.
Thực hiện chủ trương này, từ năm 2021 đến nay, các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp đã triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh và đã đạt được những kết quả bước đầu, có tác dụng tích cực đối với tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, vì vậy, lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức...
“Để có chất liệu quý đóng góp vào việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Báo Nhân Dân sẽ tiếp nhận, phản ánh trên tất cả các ấn phẩm các đề xuất về những chủ trương, giải pháp lớn thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới”, Tổng Biên tập Báo Nhân dân khẳng định.
Ông Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chia sẻ, trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, chuyển đổi kinh tế xanh đang là một xu thế tất yếu cho sự phát triển.
Việc từng bước xanh hóa sản xuất đồng thời áp dụng chuyển đổi số trong nền kinh tế đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh, cơ hội để xây dựng chiến lược phát triển nền kinh tế bền vững và hiệu quả nhất.
Thế nhưng, hiện nay kinh tế thế giới đang biến động rất nhanh và phức tạp dưới tác động của các yếu tố như: sự phát triển nhanh của công nghệ, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và khó lường; sự thiếu hụt về tài nguyên và năng lượng… chính là thách thức không nhỏ với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
“Với mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý về kinh tế xanh, Tỉnh ủy Nam Định, Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn”, ông Lân nói.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn khẳng định: Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ các nội dung khoa học xoay quanh chủ đề.
Buổi Hội thảo đã phân tích làm rõ các quan niệm, nhận thức, các yếu tố tác động, đặc điểm, nội hàm của phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh hiện nay; phân tích thực trạng phát triển kinh tế xanh, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ ở Việt Nam thời gian qua.
Nhiều ý kiến cũng làm rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay; đã phân tích làm rõ bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước thời gian tới và những tác động đến quá trình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam…
Hội thảo nhận được 168 bài viết của các nhà khoa học, nhà quản lý, bộ, ngành, địa phương. Ban Tổ chức hội thảo lựa chọn 90 tham luận tiêu biểu đưa vào kỷ yếu "Phát triển kinh tế xanh: Lý luận và thực tiễn".
Phạm Thịnh - Mai Chiến