Bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực địa phương và sản phẩm OCOP là một trong những nhiệm vụ trong tâm, nổi bật của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Trong giai đoạn 2011-2020, có 1.148 sản phẩm đã được hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong nước. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.

Sản phẩm Mật ong bạc Hà của cao nguyên núi đá Đồng Văn - Hà Giang
Sản phẩm Mật ong bạc Hà của cao nguyên núi đá Đồng Văn - Hà Giang

Cụ thể, sản phẩm Mật ong bạc Hà của cao nguyên núi đá Đồng Văn - Hà Giang: Sau khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm đã tăng từ 250.000đ/lít lên tới 450.000đồng/lít. Sản phẩm Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%. Bưởi Phúc Trạch tăng 30-35%, Cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý…

Có nhiều mô hình điểm, điển hình đáng ghi nhận trong thời gian qua, đó là: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh tới cấp xã trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sơn La; Lồng ghép hiệu quả giữa sở hữu trí tuệ và sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; phát triển tài sản trí tuệ gắn với khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống kinh đô Huế của tỉnh Thừa Thiên - Huế; Sở hữu trí tuệ với chống biển đổi khí hậu của các tỉnh Tây Nam Bộ; Định vị thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của tỉnh Lâm Đồng và rất nhiều địa phương tiêu biểu khác.

 Đặc biệt, mới đây, ngày 12/3/2021, vải thiều Bắc Giang, sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, sự kiện quan trọng này đã đánh dấu bước tiến lớn, thiết lập một thành tựu mới trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn cũng minh chứng cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển mình; khẳng định doanh nghiệp và người dân Việt Nam có đủ năng lực, sẵn sàng sản xuất ra các sản phẩm theo tiêu chuẩn của những quốc gia khó tính nhất thế giới.

Minh Anh