Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cà Mau có tính chất là đô thị hạt nhân của vùng đô thị Tây Nam vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là 1 trong 5 cực phát triển đô thị động lực của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực Bán đảo Cà Mau (trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành); là đô thị gắn với công nghiệp năng lượng dịch vụ dầu khí - thương mại - dịch vụ, là vùng có đô thị trung tâm của tỉnh; trung tâm hành chính, kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế của tỉnh; đầu mối phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho toàn tỉnh.
Chức năng là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Bán đảo Cà Mau và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là nơi tập trung của nhiều đầu mối giao thông lớn như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, đường Hành lang ven biển phía Nam, sân bay, các tuyến đường thủy quốc gia, thuận lợi với các tỉnh, huyện phụ cận; là cứ điểm quốc phòng, an ninh quan trọng của vùng Bán đảo Cà Mau. Là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh Cà Mau.
Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 450.000 người. Trong đó, dân số nội thị khoảng 355.000 người, dân số nông thôn khoảng 95.000 người. Dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 700.000 người. Trong đó, dân số nội thị khoảng 600.000 người, dân số nông thôn khoảng 100.000 người.
Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030: 4.269,19 ha, chỉ tiêu 120,26m²/người; chỉ tiêu đất dân dụng 95,78 m²/người (không bao gồm chỉ tiêu đất hỗn hợp, đất hạ tầng kỹ thuật khác cấp đô thị).
Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2045: 5.865,56 ha, chỉ tiêu 97,76 m²/người; chỉ tiêu đất dân dụng 70,58 m²/người (không bao gồm chỉ tiêu đất hỗn hợp, đất hạ tầng kỹ thuật khác cấp đô thị).
Định hướng đến năm 2045, thành phố Cà Mau sẽ phát triển theo mô hình đô thị phi tập trung tầng bậc dựa trên sự hội tụ của các trục hướng tâm; các cực trung tâm phân bố trên lãnh thổ theo tầng bậc, chúng được kết nối với nhau bằng mạng lưới giao thông và các khu chức năng phân bố khá đồng đều cho các trung tâm; mô hình này còn gọi là mô hình phân bố chia đều với các trung tâm đa cấp.
Động lực phát triển không gian đô thị gắn liền với các tuyến đường bộ và đường thủy đối ngoại; cấu trúc đô thị của thành phố Cà Mau bao gồm 02 cấu phần chính: Lõi đô thị phát triển tập trung, bao gồm khu trung tâm đô thị lịch sử và khu đô thị phát triển mới; các trục phát triển hướng tâm, bao gồm các không gian phát triển dọc theo các trục giao thông đã hình thành và mạng lưới sông, kênh rạch hiện hữu.
Thuận Yến (t/h)