Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ với giá đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày, mặc dù có lúc tăng hơn 7 điểm, trong bối cảnh thanh khoản giảm nhẹ và ở gần mức trung bình 20 phiên.
Điều này cho thấy bên bán đang có dấu hiệu mạnh lên, và đà tăng tạm thời chững lại. Do đó, khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trong phiên hôm nay 15/6.
Chuyên gia của ASEANSC dự báo, nhà đầu tư cần lưu ý hôm nay 15/6 là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 6, và có khả năng xảy ra biến động khó lường về cuối phiên. Trong phiên giao dịch hôm nay, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.110 – 1.115 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.100 – 1.105 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công Ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh 15/6 và chỉ số VN-Index có thể sẽ còn kiểm định mức kháng cự 1.125 điểm nhưng áp lực điều chỉnh có thể gia tăng vào cuối phiên. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng và chỉ số hình thành mô hình đảo chiều giảm cho nên áp lực điều chỉnh vẫn còn tiếp diễn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý giảm cho thấy các nhà đầu tư thận trọng hơn với diễn biến thị trường hiện tại.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và nên dừng mua ở giai đoạn hiện tại”, chuyên gia của YSVN lưu ý.
Trước đó, đầu phiên giao dịch 14/6, VN-Index tăng lên vùng 1.130 điểm sau đó áp lực bán gia tăng dần khi VN-Index trong vùng quá mua ngắn hạn, áp lực bán gia tăng với thanh khoản đột biến hơn trong phiên chiều dẫn đến kết phiên VN-Index giảm 5,04 điểm (-0,45%) về mức 1.117,42 điểm. HNX-Index giảm 1,34 điểm (-0,58%) về 228,91 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết trở nên tiêu cực hơn với áp lực bán áp đảo khi có tổng cộng 405 mã giảm giá (16 mã giảm sàn), 193 mã tăng giá (12 mã tăng trần) và 108 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 19.134,84 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước, duy trì trên mức trung bình, với áp lực chốt lãi ngắn hạn gia tăng mạnh ở nhóm mã vốn hóa trung bình và nhỏ ở vùng giá quanh 1.125 điểm, đỉnh cũ tháng 1/2023 của VN-Index.
Thông tin chỉ số CPI của Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước trong tháng 5/2023, sau khi tăng 0,4% trong tháng 4, CPI đã tăng 4,0% trong tháng 5, mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 3/2021 đã cải thiện tâm lý của thị trường trong phiên sáng.
Tuy nhiên, VN-Index đã đảo chiều giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp với nhiều mã chịu áp lực chốt lãi mạnh điển hình như trong nhóm bất động sản với: QCG (-6,64%), ITC (-5,76%), DRH (-4,90%), LDG (-4,36%), TDC (-4,35%), PDR (-4,24%),... ngoài một số mã vẫn tăng giá như NLG (+1,64%), VHM (+0,53%)... Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp nhiều mã cũng chịu áp lực bán mạnh với thanh khoản gia tăng như DTD (-4,81%), VGC (-3,98%), TIP (-3,27%), ITC (-2,97%), IDC (-2,52%)... Nhóm cổ phiếu thủy sản, nông nghiệp đa số cũng chịu áp lực tương tự với thanh khoản trên mức trung bình như: ACL (-6,72%), IDI (-3,46%), CMX (-2,91%), ANV (-2,71%)… BAF (-1,29%), TAR (-1,27%)...
Minh An(T/h)