THCL - Bộ Quốc phòng Philippines đã chính thức gửi thông báo tạm ngừng tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông, tố cáo Mỹ ở Philippines.
Ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo tại buổi họp báo rằng cơ quan này đã có thông báo chính thức với Mỹ về việc tạm ngừng những cuộc tuần tra chung với Washington ở Biển Đông, theo chỉ thị của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Ông Lorenzana cho hay đã thông báo với chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ khi ông đến bang Hawaii (Mỹ) hồi đầu tháng này.
Tổng thống Philippines đối thoại muốn hợp tác thân thiện với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Lorenzana nhấn mạnh ông vẫn không thể chắc chắn liệu Tổng thống Duterte thật sự muốn chấm dứt hoàn toàn các cuộc tuần tra chung với Mỹ như tuyên bố trước đó hay không.
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tuyên bố tạm ngừng các cuộc tuần tra chung là lần đầu tiên Philippines chính thức xác nhận một trong số những tuyên bố của ông Duterte là sự thật.
.
Vẫn chưa hết, ông Lorenzana cho biết thêm: dù Philippines chưa thông báo với Mỹ, nhưng Manila đang lên kế hoạch để đưa hết lính đặc hiệm Mỹ khỏi miền nam Philippines “trong tương lai gần”.
“Tổng thống nói ông không muốn họ rút khỏi Philippines ngay lập tức nhưng có lẽ là trong tương lai gần”, ông Lorenzana nói.
Bộ trưởng Lorenzana cũng cho biết 107 binh sĩ Mỹ đang tham gia hoạt động điều khiển các máy bay không người lái theo dõi lực lượng phiến quân Hồi giáo sẽ được yêu cầu rời khỏi khu vực miền nam đất nước, khi Philippines đạt được những khả năng thu thập thông tin tình báo này trong tương lai.
Ngoài ra, Tổng thống Duterte muốn ngừng 28 cuộc tập trận chung thường niên giữa Philippines với Mỹ.
Đây có thể là cuộc tập trận cuối cùng của Mỹ ở Philippines.
Ông Lorenzana đồng thời nhấn mạnh quân đội Philippines có thể tự xoay sở được nếu không có viện trợ quân sự từ Mỹ.
Tổng thống Duterte đã nhiều lần phản đối việc Washington chỉ trích chiến dịch chống ma túy của ông mà đến nay đã khiến trên 3.300 người chết. “Tôi đã mất sự tôn trọng đối với Mỹ”, ông Duterte tuyên bố vào ngày 4.10, đồng thời đe dọa phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ với Mỹ.
Trước đó, ông Duterte còn tuyên bố muốn Mỹ rút hết lính đặc nhiệm (giữ vai trò cố vấn quân sự) khỏi miền nam Philippines, nhưng sau đó lại bảo Philippines cần Mỹ ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines được cho là người bạo miệng và kiên quyết đi trên con đường ngoại giao độc lập của mình.
Hôm 6/10, ông cũng công bố về việc Philippines cần viện trợ của Mỹ song không hạ thấp và thỏa hiệp danh dự để có được.
"Nếu các anh nghĩ rằng đã đến lúc cần rút viện trợ thì cứ việc làm thế. Chúng tôi sẽ không van xin đâu", GMA dẫn lời ông Duterte nói.
"Các bạn xem chúng tôi là gì? Những kẻ hành khất sao?", ông nói thêm. "Chúng tôi sẽ tồn tại. Chúng tôi sẽ tồn tại như một quốc gia.... Và tôi sẽ là người đầu tiên bị đói, người đầu tiên chết. Đừng lo lắng. Chúng ta sẽ không bao giờ mang danh dự của một người Philippines ra thỏa hiệp".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói các quan điểm cứng rắn của Tổng thống Duterte với Washington đến nay là vì muốn giải phóng đất nước khỏi "nền độc lập trói buộc" và không còn quỵ lụy với Mỹ.
Theo ông Yasay, Philippines đã tỏ ra rất hào phóng với Mỹ "về rất nhiều vấn đề quan trọng" nhưng nước này hiện vẫn là một nền quân sự yếu và không hiện đại. Trong khi đó, về tình hình Biển Đông, Mỹ không thể bảo đảm sẽ trợ giúp Philippines bảo vệ chủ quyền.
Ngoại trưởng Philippines giải thích ý đồ Tổng thống Rodrigo Duterte
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 6/10 nói rằng Mỹ đã thất bại trước Philippines, buộc Tổng thống Rodrigo Duterte rời bỏ Washington.
Trong một tuyên bố nhằm giải thích quan điểm của ông Duterte về mối quan hệ Manila-Washington, ông Yasay bình luận rằng: "Điều này đã khiến ông (Tổng thống Duterte) định hình lại chính sách đối ngoại theo đường lối độc lập nhằm theo đuổi lợi ích quốc gia quan trọng hơn."
Ngoại trưởng Philippines cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt dấu chấm hết cho "những lợi ích phụ thuộc vào Mỹ" của Philippines.
Ông Yasay nói Philippines sẽ mãi biết ơn Mỹ về “vô số những điều quan trọng” mà Mỹ đã dành cho Manila trong liên minh đã kéo dài mấy thập kỷ giữa hai nước, nhưng ông cũng nói quân đội Philippines vẫn yếu kém và chưa phát triển.
Ngoại trưởng Philippines cho rằng tuy Mỹ cho phép Philippines độc lập, nhưng nhiều năm qua luôn dùng vòng kim cô ẩn hình cùng chính sách cây gậy và củ cà rốt khiến “người bạn nhỏ da nâu” tiếp tục phụ thuộc và khuất phục Mỹ, phục vụ cho lợi ích Mỹ.
Ngoại trưởng Philippines cũng nói, kể từ khi Philippines giành độc lập cách đây 70 năm, chưa khi nào Mỹ cho phép “người em da nâu” được tự do thực sự.
Ông Yasay cho rằng Tổng thống Duterte muốn giải phóng Philippines khỏi "sự phụ thuộc mang tính trói buộc" vào Mỹ vốn không thể đảm bảo sự giúp đỡ khi chủ quyền lãnh thổ của Philippines đối mặt với sự đe dọa.
“Đưa Philippines thoát khỏi sự phụ thuộc xiềng xích này, giải quyết hiệu quả các mối đe dọa an ninh cả trong và ngoài nước đã trở thành vấn đề cấp bách nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của đất nước chúng tôi vào những lợi ích của Mỹ”, ông Yasay nói.
Ông nói trên biển Đông, Mỹ không thể đảm bảo giúp Philippines bảo vệ chủ quyền như quy định trong hiệp ước năm 1951 giữa hai quốc gia.
“Lực lượng quốc phòng của chúng tôi nhìn chung vẫn chưa đủ khả năng xử lý các mối nguy an ninh mà chúng tôi đối mặt từ kẻ thù tiềm năng, chứ đừng nói đến ảnh hưởng của các mối nguy đó đối với sự phát triển của chúng tôi”, ông Yasay phát biểu.
“Tệ hơn, đồng minh duy nhất của chúng tôi không thể đảm bảo rằng để chứng tỏ lập trường cứng rắn đối với việc thực thi các quyền chủ quyền của chúng tôi theo luật pháp quốc tế, rằng họ sẽ ngay lập tức bảo vệ chúng tôi theo hiệp ước và các thỏa thuận quân sự đã có giữa hai bên”.
Ông nói Philippines sẽ tăng cường quan hệ với Trung Quốc, và sẽ chú ý những bài học đã học được từ việc quá thân với Mỹ. “Những sai lầm trước đây của chúng tôi trong việc thắt chặt quan hệ với ‘ông anh da trắng’ sẽ trở thành bài học”, ông nói.
Ông Yasay nhấn mạnh: “Người Mỹ đã làm Philippines thất vọng, đây là thông điệp cốt lõi mà Tổng thống Duterte muốn chuyển tới người Mỹ và toàn thế giới”.
Cuối cùng, theo ông Yasay, điều mà lãnh đạo và các nhà quyết sách Mỹ cần phải suy nghĩ là có muốn thay đổi đường lối để phù hợp với hiện thực địa chính trị hay không? Có coi trọng mối tình hữu nghị đặc biệt Phi-Mỹ để tăng cường nó hay không? Hay là lựa chọn phương thức coi thường tiếng nói của người Philippines và tiếp tục can thiệp vào cái gọi là vấn đề nhân quyền?
Kim Hoa - baodatviet