Cán bộ BHXH tuyên truyền BHXH tự nguyện đến với người dânCán bộ BHXH tuyên truyền BHXH tự nguyện đến với người dân

A Lưới là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, người dân chủ yếu là làm nông nghiệp và lao động tự do nên thu nhập còn thấp và không ổn định. Hơn nữa, trên 80% là người dân tộc thiểu số, việc tiếp cận với chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế.

Để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Huyện A Lưới đã tích cực đổi mới phương pháp tiếp cận người dân, thay đổi hình thức, cách thức tuyên truyền nhất là thời điểm đang phòng, chống dịch Covid-19. BHXH Huyện A Lưới tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của UBND xã trong công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH đến với từng gia đình, từng đối tượng. Việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện vừa đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc khác nhau vừa đảm bảo tinh thần “đi tận ngõ, gõ cửa tận nhà, rà từng đối tượng” để chính sách BHXH tự nguyện vượt qua trở ngại khoảng cách về địa lý đến được với đồng bào dân tộc.

Anh A Viết Tân Bách người dân tộc Tà ôi, bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Anh Bách chỉ có thể làm được những công việc nhẹ trong nhà. Nhận thấy mức hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước là 405.000 đồng không thể giúp anh Bách đủ trang trải cuộc sống nhất là khi không có người thân bên cạnh, cha mẹ anh đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho con.

“Tôi rất sợ sau này khi mình qua đời con sẽ khổ, tham gia BHXH tự nguyện cho con mai sau vợ chồng tôi có mất đi thì Nhà nước sẽ lo cho nó đầy đủ hơn” ông Tống Ngọc Tiến bố của anh Bách đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn về hướng đứa con trai thiếu may mắn của mình.

Chị Nguyễn Thị Tương, thuộc hộ nghèo của xã Quảng Nhâm, hàng ngày lo cho 4 miệng ăn trong gia đình đã là cả một khó khăn lớn đối với chị. Thế nhưng, khi nghe về những lợi ích của BHXH tự nguyện do Đảng và Nhà nước thực hiện, chị rất tin tưởng và quyết tâm tham gia.

Chị Tương chia sẻ: “Mình sợ cái cảnh phải kiếm ăn hàng ngày như hiện tại, nhiều khi không dám ước mơ một tương lai ấm no và nhàn hạ hơn khi về già. Giờ thì yên tâm rồi. Nhà nước luôn lo cho dân, gia đình mình được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều mới có cái ăn, cái mặc qua ngày. Cố thêm một chút khi còn sức khỏe và khi còn có thể cố được để mai sau đỡ khổ”. Chị cười xòa, gương mặt ngước lên trời trong niềm hy vọng của một số phận mà sự no ấm lâu nay đã quá xa hoa.

Tham gia cho cả vợ khi được cán bộ BHXH huyện A Lưới tư vấn về BHXH tự nguyện, anh Trần Văn Ngân, một tiểu thương bán tạp hóa hồ hởi “Trước giờ nhìn các bác hưu trí đi nhận lương hưu mà cứ mong được giống như họ. Xong rồi lại tự an ủi mình, thôi cố gắng buôn bán, làm ăn tích cóp có chút tiền về già đỡ khổ chứ suốt ngày bánh kẹo, dầu ăn, nước mắm thì ai trả lương hưu cho. Giờ mới biết đến chính sách BHXH tự nguyện, thế là về già cả hai vợ chồng tôi đều có lương hưu. Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”.

Việc về từng nhà, trao đổi với từng thành viên trong gia đình đã giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách BHXH tự nguyện, về giá trị nhân văn của chính sách do Đảng và Nhà nước tổ chức thực hiện. Hơn nữa, việc gặp trực tiếp cũng sẽ giúp người dân mạnh dạn chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc để từ đó được giải thích rõ ràng, cặn kẽ, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Trong ngày đầu thực hiện, BHXH huyện A Lưới đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã trực tiếp đến 25 nhà dân và vận động được 22 người tham gia.

Đây là một kết quả ngoài sức mong đợi, là tín hiệu đáng mừng trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến trung tuần 8/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện đã đạt 889 người, đạt 83% so với kế hoạch BHXH tỉnh giao năm 2020. Với những tín hiệu tích cực trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, cán bộ, viên chức, nhân viên BHXH huyện A Lưới tự tin hoàn thành vượt kế hoạch được giao.

Theo BHXH TT.Huế