Sáng 5/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hoá khoá XVII tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 14, nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: baothanhhoa.vn
Tại kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ sự vui mừng khi tham dự kỳ họp quan trọng được tổ chức sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, qua gần 2 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ấn tượng sâu sắc về sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên và những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua.
Trong những năm qua, kế thừa và phát huy thành tựu, bài học kinh nghiệm của các khóa trước, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã luôn tiếp tục đổi mới, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ, cử tri và Nhân dân trong tỉnh, phát huy được trí tuệ tập thể, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định, nổi bật là:
Thực hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng các lĩnh vực công tác; đặc biệt là nâng cao chất lượng các kỳ họp; đã có những cải tiến trong quy trình xây dựng nghị quyết, từ việc chuẩn bị nội dung, tiến hành thẩm tra, tổ chức nhiều Phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét, cho ý kiến đến việc thảo luận, thông qua nghị quyết; tích cực giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết đã ban hành để các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thực sự đi vào cuộc sống.
Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 14 kỳ họp, ban hành 329 nghị quyết và riêng tại kỳ họp lần này, Hội đồng nhân dân tỉnh dự kiến sẽ thông qua 45 nghị quyết; có lẽ số lượng nghị quyết mà Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành trong một nhiệm kỳ nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Trong đó, ngay đầu nhiệm kỳ, đã có nghị quyết về ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, làm cẩm nang để tổ chức thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn luật định. Đồng thời, đã ban hành nhiều nghị quyết tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của tỉnh nhà. Những nghị quyết có tính bước ngoặt, đó là: Sắp xếp các đơn vị hành chính, trường học; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, chủ tịch hội đặc thù ở cấp xã, thôn dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy; bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho các trường mầm non công lập; quyết định chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội v.v…. Đặc biệt, đã xác định được năm 1029 là năm Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đây là nghị quyết mang giá trị lịch sử và ý nghĩa tinh thần to lớn.
Cùng với các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời xem xét, ban hành rất nhiều văn bản kết luận phiên họp, giải quyết kịp thời hơn 400 tờ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh giữa hai kỳ họp, bảo đảm công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và giúp ổn định đời sống người dân.
Hoạt động giám sát, chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh có nhiều đổi mới, thẳng thắn và trách nhiệm, bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện tái giám sát đối với các vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm; nhiều lĩnh vực sau giám sát, sau chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh đã có chuyển biến tốt hơn.
Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân được quan tâm và đã có những cải tiến như tăng số buổi tiếp xúc cử tri, giảm bớt các thủ tục lễ nghi hình thức; dành nhiều thời gian để nghe cử tri phát biểu và đối thoại với cử tri.
Những kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử. Việt Nam chúng ta đã trải qua 2 đợt dịch Covid-19 ở một số địa phương với những tác động mạnh đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng; một số ngành sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, vận tải, du lịch.
Thanh Hóa đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong phòng chống đại dịch Covid-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội; có 21/27 chỉ tiêu chủ yếu được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch.Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 6,08%, là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Ở thời điểm này, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đã đứng thứ 8 cả nước và từng bước trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Các ngành sản xuất cơ bản đều có bước phát triển.
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức rất thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, với tổng vốn đăng ký đầu tư ước khoảng 15 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhiều dự án lớn, quan trọng đã hoàn thành đi vào hoạt động, cùng với khởi công các dự án kết cấu hạ tầng tạo diện mạo mới cho bộ mặt thành thị, nông thôn và các khu du lịch trên địa bàn tỉnh. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ. An sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất, tinh thần củaNhân dân tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác tư pháp có nhiều tiến bộ hơn, thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại kỳ họp
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu ngân sách chưa thật sự bền vững, một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng ở các huyện miền núi chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; liên kết vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội có mặt còn hạn chế, bất cập.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung:
Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, sâu sắc bằng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 58 – NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19; tổ chức triển khai Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ kiện toàn các chức danh của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh theo tinh thần của Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Đảng đoàn Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ.
Thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, tiết kiệm. Phối hợp với các cơ quan nhà nước theo quy định của Luật bầu cử, chuẩn bị thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để kiện toàn các cơ quan của HĐND tỉnh theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sau khi có kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Chỉ đạo kiện toàn cơ cấu tổ chức văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan tổ chức tốt các kỳ họp trong năm 2021. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, thực hiện tốt chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương.
Chủ động và phối hợp với các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tập huấn về các kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 18, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ sự tin tưởng với truyền thống đoàn kết, tận tụy, năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, cố gắng nỗ lực cao nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, đưa tỉnh Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước vào năm 2025 và sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Lê Nam- Hoài Thu