Hội An trở nên trong lành hơn khi Dự án Cải thiện chất lượng nước hoàn thành chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Đây là nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho dự án với hy vọng, nguồn nước xả ra kênh Chùa Cầu hết ô nhiễm, góp phần cải thiện điều kiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích biểu tượng của phố cổ Hội An.
Nhiều năm qua, nước ở lòng kênh dưới chân di sản Chùa Cầu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo số liệu khảo sát của Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho thấy, hàm lượng một số chất đo được tại các điểm quanh khu vực Chùa Cầu đã vượt giới hạn quy định về mức độ ô nhiễm. Nguyên nhân là do nước thải từ hàng nghìn hộ dân, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An... xả thẳng ra dòng kênh Chùa Cầu.
Chính quyền TP Hội An đã tìm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng ô nhiễm như bơm nước từ sông Hoài vào ống ngầm đưa lên phía đầu con kênh để đẩy nước bẩn chảy ra sông, nạo vét lòng kênh... nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không thể cải thiện, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tham quan, du lịch tại di tích Chùa Cầu và khu vực trung tâm phố cổ Hội An. Thành phố từng có dự án xử lý nước thải do Pháp tài trợ nhưng không đấu nối được với khu vực Chùa Cầu, lòng kênh Chùa Cầu vẫn bị ô nhiễm trầm trọng...
Để cứu lấy Chùa Cầu, cứu phố cổ Hội An, vào tháng 8/2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định "Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu, TP Hội An" do UBND tỉnh Quảng Nam chủ quản, UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý thực hiện là Ban QL DA Cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu, TP Hội An. Đặc biệt, nhà thầu xây dựng và đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát là các công ty đến từ Nhật Bản. Dự án gồm nhiều hạng mục gồm, Trạm xử lý nước thải đặt tại phường Cẩm Phô rộng 3.752m2, công suất 3.000-5.000m3/ngày đêm, các hạng mục phụ trợ và nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm xử lý nước thải dài 1,6 km với hệ thống thiết bị điện và dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đồng bộ.
Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp, với mục tiêu: Không chỉ cải thiện môi trường khu vực, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn xả thải trước khi xả ra kênh Chùa Cầu, góp phần cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao giá trị di tích Chùa Cầu và xử lý nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ gia đình ở các khu đô thị Thanh Hà, Cẩm Hà, Tân An, Cẩm Phô và Minh An.
Dự án cải thiện chất lượng nước khu vực Chùa Cầu, Hội An đang hoàn thiện giai đoạn cuối
Ông Phạm Văn Điểu-Giám đốc BQL các dự án Đầu tư Xây dựng TP Hội An, khẳng định: "Nhật Bản là quốc gia có nhiều công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nước thải và phía Nhật cũng cam kết hiệu quả vận hành sau bàn giao. Do vậy, chắc chắn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, toàn bộ nước thải sẽ được thu gom và xử lý môi trường nước ở Chùa Cầu sẽ được cải thiện. Việc thu gom, xử lý nước thải không chỉ tiến hành ở khe Ô Ồ và khu vực Chùa Cầu mà tiếp đó sẽ mở rộng ra một số khu dân cư lân cận để cải thiện nước thải tại Hội An...". Triển khai từ tháng 3/2017, sau 2 năm thi công, Dự án Cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu chuẩn bị đưa vào vận hành. Đơn vị thi công đang thực hiện những công đoạn cuối cùng là cấy vi sinh vào dây chuyền xử lý của nhà máy xử lý nước thải.
Đầu tháng 11 vừa qua, JICA và đơn vị thi công đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình cho TP Hội An vận hành thử, xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi thải ra sông Hoài. UBND TP Hội An đã có Báo cáo hoàn thành thi công xây dựng công trình gửi UBND tỉnh và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, đề nghị Sở Xây dựng Quảng Nam tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Dự án được đánh giá, sẽ giải quyết tốt môi trường khu vực, phục vụ đời sống trong lành cho nhân dân và khách du lịch, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp. Đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho thành phố Hội An.
Hoàng Gia Bảo