Doanh nghiệp áp dụng phương án sản xuất “ba tại chỗ”

Sáng 6/8, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một số cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ trên địa bàn TPHCM. Tham gia đoàn công tác còn có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng. 

Đoàn đã có buổi làm việc với công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan); công ty TNHH TikiNow Smart Logistics và công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON).

Tại buổi kiểm tra, đại diện Công ty Vissan cho biết, Vissan là đơn vị chủ lực trong cung cấp thực phẩm tại TPHCM. Ngay từ đầu tháng 6/2021, công ty đã xây dựng và triển khai nhiều phương án phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là phương án sản xuất tạiVissan đã thuê nhà nghỉ cho công nhân và tổ chức xe đưa đón hàng ngày. Hiện nay, công ty Vissan đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” theo chủ trương của TPHCM. Công ty tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho người lao động mỗi tuần. Ngay khi phát hiện có trường hợp dương tính SAR-CoV-2 tại cơ sở sản xuất, Vissan đã nhanh chóng phối hợp với địa phương truy vết, cách ly các F1 tại một số trường học trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo công ty Vissan. Ảnh: TTBC
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo công ty Vissan. Ảnh: TTBC.

Theo lãnh đạo công ty Vissan, việc xuất hiện F0 tại doanh nghiệp đã khiến khâu phân phối hàng hóa của Vissan bị đứt gãy trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, công ty đã kịp thời triển khai các kịch bản dự phòng, chuyển nguồn gia súc đến các cơ sở giết mổ bên ngoài TPHCM, sử dụng nguồn thực phẩm đã dự trữ từ trước,…

“Trong 1 hoặc 2 ngày tới, công ty đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ 100% nguồn thực phẩm thiết yếu cho các mạng lưới phân phối”, đại diện công ty Vissan cho hay.

Tại Công ty VIFON, đại diện doanh nghiệp này cho biết cũng đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong sản xuất và thường xuyên thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người lao động. Tuy nhiên, so với thời gian trước, năng lực sản xuất của doanh nghiệp sụt giảm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân là một trong những vấn đề cần được ưu tiên. Lực lượng lao động trong ngành thực phẩm tươi sống cần được xem như lực lượng tuyến đầu.

Ngoài việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho người lao động, Phó Thủ tướng lưu ý các đơn vị sản xuất thực phẩm đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người lao động.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đơn vị khắc phục tình trạng thịt tươi không kịp đến các nhà phân phối. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng cần xây dựng phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm được phép ra ngoài vận chuyển hàng hóa sau 18 giờ.

Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) (Phường 13, quận Bình Thạnh) và Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) bày tỏ khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, duy trì nguồn cung ứng nguyên liệu đang “bị đứt gãy” do tác động của dịch COVID-19 cũng như thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những doanh nghiệp này đều phải giảm số lượng lao động nên công suất giảm, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao; thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu nên các đơn hàng bị xử lý chậm. Trong khi đó, thời gian áp dụng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm lý của công nhân, người lao động.

Đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm 

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng, trong thời gian giãn cách xã hội, các DN phải giảm số lượng công nhân nhưng với những DN cung cấp thực phẩm - được xem như lực lượng tuyến đầu - thì thậm chí phải tăng công suất hoạt động nhiều lần. Thành phố sẽ khẩn trương xử lý ngay các kiến nghị của DN về tiêm vaccine, cho phép người lao động sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế tập trung được quay trở lại làm việc ngay, duy trì hoạt động sản xuất an toàn…

Đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ tạo điều kiện để các DN phối hợp với cơ sở y tế địa phương hoặc y tế tư nhân có thể tổ chức tiêm ngay tại DN, bảo đảm quy trình an toàn, minh bạch; đề nghị lãnh đạo UBND Thành phố cân nhắc việc để DN có trách nhiệm phối hợp với y tế địa phương hoặc y tế tư nhân theo dõi sức khỏe người lao động 14 ngày còn lại sau khi cách ly tập trung.

Đối với khó khăn về thời gian làm việc trùng với khung thời gian hạn chế người dân ra đường (từ 18h đến 6h sáng hôm sau), đại diện UBND TPHCM cho biết, Thành phố sẽ sớm triển khai các giải pháp linh hoạt để việc đi lại được an toàn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ thực phẩm tươi sống cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Không chỉ các DN như Vissan, Vifon, Phó Thủ tướng cho biết ông nhận được rất nhiều phản ánh của các DN chế biến lương thực, thực phẩm về việc phải giảm công suất hoạt động trong khi nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng rất cao.

Để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất liên tục, an toàn, Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động tại những DN sản xuất quan trọng.

Các DN cần chủ động ký hợp đồng với cơ sở y tế để thực hiện theo dõi, giám sát y tế hằng ngày đối với người lao động, phát hiện, hỗ trợ kịp thời trong trường hợp cần thiết tại nhà máy cũng như nơi ở. “Bất kỳ ai có triệu chứng gì, phải có bác sỹ thăm nom, xét nghiệm ngay”.

Chia sẻ với những khó khăn của DN, người lao động khi phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” trong một thời gian dài, Phó Thủ tướng gợi ý việc phân chia ca, kíp, nhóm sản xuất theo khu vực cư trú của người lao động, đặc biệt phải nắm sát công nhân ở “vùng xanh”, “vùng đỏ”; tìm kiếm những khu nhà trọ để làm ký túc xá DN, tổ chức đưa đón an toàn cho người lao động từ nơi ở đến nơi sản xuất…

Phương Thảo