THCL - Ngày 9/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn đầu Đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các trạm y tế xã trên địa bàn Thủ đô.
Sau khi thị sát tại Trạm Y tế phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội về việc phát triển y tế trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế phường Tây Mỗ
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng cho biết, việc đi thực tế cơ sở tại Hà Nội nằm trong chương trình khảo sát việc phát triển y tế tại các địa phương, vùng, miền, nhằm nắm bắt tốt thực trạng, những khó khăn bất cập trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyến dưới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc chăm sóc sức khỏe, nhất là việc phòng bệnh, phát hiện mầm bệnh sớm để điều trị kịp thời là rất quan trọng. Hệ thống y tế cơ sở, các trạm y tế xã phường nếu được đầu tư, nâng cao chức năng nhiệm vụ, quyền hạn sẽ góp phần rất lớn trong giúp đỡ nhân dân hạn chế bệnh tật, giảm áp lực cho tuyến trên, hạn chế được rất nhiều chi phí cho y tế.
Qua khảo sát ở các vùng đồng bằng, trung du, bán sơn địa, thành phố như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ… cho thấy rất nhiều rào cản về cơ chế, chính sách và cách làm để giúp đỡ người dân có thể tiếp cận với dịch vụ y tế một cách thuận tiện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với ngành y tế Thủ đô tại UBND phường Tây Mỗ
Phó Thủ tướng lưu ý, hiện nay người dân nhiều vùng đang rất nghèo khó, có nơi còn xa vời với dịch vụ y tế hoặc được khám chữa bệnh nhưng chưa hiệu quả, chi phí cao. Vấn đề này, Chính phủ đang đặc biệt quan tâm, nhiều năm qua nghiên cứu để tới đây ban hành các quy định mới với mong muốn hướng tới tiện ích, giảm thủ tục hành chính, phiền hà và để nhiều người dân được khám chữa bệnh hơn.
Trong kế hoạch, dự kiến tất cả người dân đều được khám bệnh ban đầu và định kỳ. Sau khi khám bệnh ban đầu, mỗi người dân được cấp sổ theo dõi hoặc lưu trữ dự liệu sức khỏe, đồng bộ hóa khi đi khám bệnh, sử dụng một kết quả trong nhiều lần đi khám. Ví dụ, một kết quả xét nghiệm ban đầu được sử dụng khi người bệnh đi khám tuyến trên hoặc nhiều nơi khác nhau.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, mô hình này sẽ được làm ở một số tỉnh, nhưng riêng Hà Nội cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sỹ khá tốt nên cần triển khai sớm trên diện rộng. Muốn vậy, thành phố cần rà soát và đề ra các phương án tối ưu, từ việc bố trí máy móc, nhân lực, phấn đấu cuối năm 2017 có thể hoàn thành việc khám sức khỏe ban đầu cho tất cả người dân trên địa bàn. Mô hình này sẽ được nhân rộng cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho biết, với sự nỗ lực lớn, đến nay Hà Nội có 560/584 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (96%); phấn đấu hến năm 2017, Hà Nội hoàn thành xây dựng chuẩn quốc gia y tế. Bên cạnh đó, Hà Nội có 42 cơ sở, bệnh viện công lập, với khoảng 5.000 y bác sỹ và 2.985 cơ sở y tế ngoài công lập.
Với sự chuẩn bị trên, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc tốt sức khỏe và sẽ triển khai ngay việc khám sức khỏe ban đầu, từ đó lưu hồ sơ dữ liệu cho mỗi người dân thuận tiện trong việc theo dõi, khám chữa bệnh lần sau.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đang xin chủ trương để đầu tư xây dựng trung tâm quản lý thuốc tân dược tiêu chuẩn quốc tế, bằng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để không phải sử dụng ngân sách nhà nước. Khi có trung tâm này, thì việc mua bán, giao dịch thuốc giữa các cơ sở y tế trên địa bàn đều được đảm bảo đúng giá cả, chất lượng đảm bảo.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Nguyễn Khắc Hiền cho biết, năm 2017, thành phố xây dựng đề án phát triển mô hình bác sỹ gia đình gắn với sức khỏe người dân, mục tiêu có 100% xã, phường triển khai việc quản lý sức khỏe cho người dân.
Tuấn Ngọc