Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… đã và đang tác động tiêu cực tới đời sống người dân, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và môi trường đầu tư. Nhân ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), phóng viên Thương hiệu & Công luận đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) xung quanh vấn đề này.
Theo ông, những điểm thiếu và yếu trong phòng chống hàng giả, hàng nhái hiện nay là gì?
Có thể nói, luật pháp chưa hoàn thiện, còn kẽ hở để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng, hệ thống thực thi chưa hiệu quả (dân sự, hành chính, hình sự), cơ chế thực thi còn bất cập. Bên cạnh đó, nguồn lực của các cơ quan thực thi nhà nước, của DN, xã hội (các tổ chức, hiệp hội, người tiêu dùng…) còn hạn chế. Đặc biệt, do mặt bằng thu nhập còn thấp nên nhu cầu hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp; nhận thức về hàng giả, hàng nhái của người dân còn kém…
Nhiều DN chưa đầu tư sáng tạo mà chọn cách sao chép sáng tạo của các DN khác để nhanh chóng tiếp cận thị trường. Phần lớn DN không quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ thương hiệu vì tâm lý cho rằng, phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, ảnh hưởng đến doanh thu.
Chính sách của Nhà nước là hướng tới mục tiêu ngăn chặn và hạn chế tối đa những tác hại của nạn hàng giả gây ra đối với nền kinh tế, người dân, DN và xã hội.
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái dường như chưa có hồi kết? Phải chăng, các cơ quan chức năng đang bó tay?
Hàng giả vẫn sẽ tồn tại song hành với hàng thật ở tất cả các quốc gia trên thế giới, chỉ khác nhau ở mức độ. Ngay ở những nước phát triển, người tiêu dùng vẫn có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đơn cử, tại Nhật Bản, thời gian gần đây, đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc kinh doanh hàng giả thông qua Internet (bán hàng trực tuyến) và vận chuyển bưu kiện.
Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) và Interpol “Tội phạm lớn nhất của thế kỷ XXI là tội phạm làm hàng giả”, nếu như trong những năm 80 của thế kỷ XX, buôn bán hàng giả chủ yếu tập trung vào các mặt hàng xa xỉ phẩm (nước hoa, hàng da, đồng hồ…) và phần lớn dành cho khách du lịch thì từ đầu thập niên 90 đến nay, hàng giả xuất hiện ngày càng đa dạng, từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp và hàng dược phẩm, hàng văn hóa phẩm... Sản xuất hàng giả đã trở thành một ngành công nghiệp thật sự với quy mô lớn, tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực.
Người tiêu dùng rất bức xúc và bế tắc khi mua phải hàng giả, hàng nhái bởi hầu như không được giải quyết quyền lợi dẫn tới mất niềm tin vào nhà sản xuất, phân phối cũng như cơ quan chức năng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nếu khách hàng có đủ chứng cứ (hóa đơn, phiếu bảo hành...) thì theo quy định, có thể yêu cầu bồi thường (bồi thường dân sự), hoặc tố cáo người bán hàng giả cho mình. Tại những cơ sở có uy tín (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn) thì công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thường được làm tốt hơn so với những cơ sở buôn bán nhỏ lẻ. Thời gian vừa qua, đã có một số vụ việc đưa ra tòa án, DN phải đền bù cho khách hàng. Ngay đối với lực lượng quản lý thị trường, nhiều vụ việc cũng đã được kiểm tra, xử lý hiệu quả nhờ thông tin tố cáo của người dân, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh (nhất là bán lẻ) của Việt Nam chưa phát triển, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu vẫn là kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức của người kinh doanh còn hạn chế... làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn nữa, người tiêu dùng thường ngại va chạm, dính dáng tới kiện cáo, sợ phiền hà, mất nhiều thời gian, không nắm rõ luật cũng như không biết chắc việc khiếu nại có đem lại kết quả hay không... Đặc biệt, năng lực giải quyết tranh chấp của các cơ quan dân sự tuy có mặt được nâng lên, nhưng nhìn chung vẫn chưa như mong muốn, hơn nữa hoạt động còn thiếu minh bạch, chưa mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.
Thời gian tới, Cục Quản lý Thị trường có kế hoạch gì nhằm hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái?
Với mong muốn hạn chế được tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng gây bức xúc cho DN, người tiêu dùng, Bộ Công thương đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó hoàn thiện và trình Chính phủ Chương trình Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để định hướng hoạt động cho các lực lượng thực thi giai đoạn 2013 - 2020. Các chương trình truyền thông, đào tạo, tập huấn sẽ hướng tới các đối tượng là các cơ quan thực thi, DN và người tiêu dùng, đặc biệt là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, sớm hướng dẫn lực lượng quản lý thị trường cả nước triển khai thực hiện Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại (các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn…).
Bên cạnh đó, Bộ triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hàng giả, phục vụ công tác chuyên môn, hỗ trợ và tư vấn cho DN, người tiêu dùng trong việc phòng chống hàng giả; tăng cường hợp tác với các hiệp hội ngành nghề/các DN sản xuất, kinh doanh trong công tác thực thi; tổ chức phối hợp với các lực lượng khác để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của lực lượng quản lý thị trường…
Xin cảm ơn ông!
Hà Thu (Thực hiện)