THCL Sáng 23/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chủ trì Hội nghị. Tới dự còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội Đặng Thuần Phong, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập; đại diện các Bộ, ngành, Lãnh đạo sở thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước.
Theo báo cáo trình bày tại Hội nghị, qua 5 năm thực hiện Chương trình, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội đã có những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác phòng, chống mại dâm, làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp; ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo xử lý có hiệu quả tình hình phức tạp về hoạt động mại dâm ở địa bàn trọng điểm, khu du lịch, nghỉ mát; triệt phá các tụ điểm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm lớn, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm là hơn 161 nghìn cơ sở, trong đó có hơn 2.561 cơ sở và 6.090 nữ nhân viên nghi hoạt động mại dâm. Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội, tỷ lệ người nhiễm HIV là 45,3%, tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng 2 lần so với 2012 (3,9%), người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, bọc lột tình dục; bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội...
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình gặp phải một số hạn chế, khó khăn như: Hiệu quả phòng ngừa mại dâm chưa đáp ứng được yêu cầu; các biện pháp, giải pháp mới chỉ mang tính giải quyết vấn đề phát sinh, chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa xã hội; Một số địa phương, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, liên tục đối với công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm; triển khai chưa đồng bộ; công tác phối hợp liên ngành còn yếu, chưa phân công, phân nhiệm, giao mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể xuống các cấp, các ngành; Các biện pháp, giải pháp mới chưa thực sự hiệu quả; hoạt động của các mô hình thí điểm giảm hại và hỗ trợ người hoạt động mại dâm hoàn lương còn đơn giản; chưa hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, dễ tiếp cận với người bán dâm...
Xuất phát từ thực trạng và tồn tại nêu trên, việc xây dựng Chương trình hành động phòng, chống mại mại giai đoạn 2016-2020 là rất cần thiết. Do đó, Chương trình hành động phòng, chống mại mại giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ chính. Cụ thể, thứ nhất: Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại cơ sở; Thứ hai : tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; Thứ ba: Xây dựng, thử nghiệm, chuẩn hoá các dịch vụ hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trong phòng, chống mại dâm; Thứ tư: Xây dựng thử nghiệm 03 loại mô hình: (i) Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại 10 Trung tâm công tác xã hội; (ii) Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; (iii) Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới; Thứ năm: Tăng cường các hoạt động phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm; Truy tố và xét xử tội phạm liên quan đến mại dâm; Thứ sáu: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, trong đó nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm..
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dậm và các biện pháp can thiệp mà Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện thông qua Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 được đánh giá là tiến bộ, song quá trình thực thi cho thấy tính hiệu quả chưa cao, vẫn còn những khoảng trống trong chính sách và các chương trình can thiệp. Do vậy, để thực hiện hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tới, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục đánh giá sâu hơn nữa về kết quả thực hiện trong giai đoạn vừa qua, từ đó tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế. Mặt khác, công tác phòng, chống mại dâm là hoạt động đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng liên ngành, do vậy, cần sự phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền các cấp...
G. Linh (Thương hiệu & Công luận)