Dân tộc H’Mông là một trong những dân tộc thiểu số sống ở hầu khắp vùng cao phía Bắc Việt Nam. Cuộc sống của họ rất thú vị và phong phú từ các hoạt động văn hóa, lễ hội… Màu sắc trang phục của người Mông cũng có vị trí quan trọng trong cuộc sống kể từ thời xa xưa cho đến bây giờ. Vật liệu được sử dụng để tạo ra các trang phục đều tự làm và phục vụ cho chính nhu cầu của cộng đồng dân tộc Mông.
Xã Lùng Tám thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là một nơi rất đặc biệt – nơi người dân lấy nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên về để dệt vải cho trang phục và các đồ vật liên quan.
Những sản phẩm này còn được gọi là vải lanh – thổ cẩm. Vải lanh được làm từ những sợi lanh - cây này mọc thành khóm lớn quanh các khu rừng ở phía Bắc Việt Nam. Việc sản xuất vải lanh rất khó khăn và tốn nhiều công sức, đồng thời nó có độ bền chắc hơn vải bông. Chính vì vậy loại vải này rất có giá trị và phổ biến.
Các sản phẩm đầy màu sắc được làm từ các loại thảo mộc tự nhiên. Quá trình trang trí trên vải lanh được thực hiện bằng sáp ong, đây cũng là một trong những quy trình khó nhất mà chỉ có bàn tay khéo léo và tỉ mỉ nhất mới có thể làm được.
Xã Lùng Tám đã có thời điểm có 2 người phụ nữ gần 100 tuổi mà vẫn làm công việc này. Qua thời gian, bây giờ chỉ còn một người nhưng cụ vẫn làm việc rất chăm chỉ. Cả một đời cống hiến cho việc trang trí vải lanh đã khiến ngón tay của cụ bị biến dạng, do làm việc quá lâu trong một tư thế duy nhất.
Ngày nay, việc dệt vải lanh tạo ra các sản phẩm thời trang và giúp cuộc sống của họ được cải thiện và nâng cao, đồng thời thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trên khắp thế giới. Do đó, các cô gái trong làng vẫn cố gắng để học nghề và làm việc cùng nhau.
Theo quan niệm của người H’Mông ở đây, vải lanh được coi là sự gắn kết bền chặt giữa con người và thế giới tâm linh. Họ cho rằng sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho người chết trở về với tổ tiên và đầu thai trở lại làm người. Với người Mông, dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá tài năng phẩm hạnh của người phụ nữ.
Các sợi lanh được đưa vào khung dệt. Quá trình trang trí được thực hiện bởi những bàn tay khéo léo nhất, họ nhúng bút tre vào sáp ong nóng để vẽ các hoa văn độc đáo trên vải. Sau đó vải được nhuộm một vài lần và đun sôi để loại bỏ sáp ong. Tiếp đó, các hình mẫu sẽ xuất hiện trên vải.
Màu sắc của vải lanh không sắc nét hay rực rỡ nhưng thanh lịch và rất tự nhiên. Sau khi lựa chọn nguyên liệu tỉ mỉ để có chất vải hoàn hảo, sự sáng tạo của phụ nữ H'mông sẽ cho ra các sản phẩm thời trang, đồ lưu niệm nhiều màu sắc và dễ thương như: Váy, khăn quàng cổ, áo, túi xách…
Bên cạnh những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang – mảnh đất địa đầu của Tổ quốc còn có một nơi đáng để bạn khám phá, đó là xã Lùng Tám – nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghệ dệt vải lanh truyền thống của người H’Mông.
Huyên Quang
Ảnh: Nguyễn Vũ Phước