Động thái mới nhất, ông Mai Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được bổ nhiệm làm người đứng đầu huyện đảo Phú Quốc. Người dân cần nhiều hành động cụ thể từ Ban lãnh đạo mới của huyện đảo.
Giải bài toán dự án “trùm mền”!
Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, đến thời điểm hiện tại, nơi đây có 279 dự án đầu tư với diện tích gần 11.000 ha.
Trong số đó, có 249 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định đầu tư với tổng diện tích hơn 9.000 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 270.000 tỷ đồng, còn 30 dự án đang hoàn thiện thủ tục. Nhưng thực tế, mới chỉ có 36 dự án đi vào hoạt động, chiếm chưa đến 13% trong tổng số các dự án đầu tư và khoảng 14,5% trên các dự án đã được cấp phép đầu tư.
Phú Quốc sẽ chuyển mình sau cơn sốt đất?
Tỷ lệ thuận với diện tích sử dụng đất, số dự án đi vào hoạt động là 1.182 ha, chiếm khoảng 11% trong tổng số các dự án đầu tư và 13% trên số các dự án đã được cấp phép đầu tư. Số vốn đầu tư cho các dự án đã đi vào hoạt động là 14.758 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,5% trên tổng vốn đăng ký của các dự án đã có chứng nhận đầu tư. Đó là những con số quá thấp so với kỳ vọng.
Ông Nguyễn Thống Nhất, Giám đốc Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc nhìn nhận, các dự án trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc triển khai chậm, ngoài nguyên nhân do chủ đầu tư, còn có lỗi của đơn vị mình chưa thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc chủ đầu tư và không cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, chậm còn do chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong phần việc rất quan trọng là giải phóng mặt bằng để giao đất sạch.
Các dự án này còn gặp rắc rối lớn là do tình trạng di dời chậm, việc lấn chiếm và tái lấn chiếm vẫn diễn ra mặc dù nhà đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không thể nhận đất sạch để triển khai đầu tư. Vì vậy, các nhà đầu tư đã có đơn xin điều chỉnh lại quy hoạch.
Có đến 34 dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhà đầu tư đã ký hợp đồng lập phương án bồi thường nhưng chưa được phê duyệt. Do các dự án này chưa bố trí được khu tái định cư để sắp xếp bố trí các hộ dân có đất nằm trong vùng dự án. Bên cạnh đó, việc ban hành giá đất bồi thường cũng còn quá chậm.
Công trình xây dựng sai phép
Nhiều công trình xây dựng không phép ngang nhiên mọc lên tại Dương Đông, rất nhiều công trình kiên cố, tạm bợ nhan nhản trên đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ. Con đường từ cảng Bãi Vòng - Hàm Ninh về thị trấn Dương Đông, 2 bên có rất nhiều nhà ở, hàng quán, nhà xưởng mọc lên.
Có những nơi, hàng chục căn nhà được cất liền nhau như một dãy phố nhằm mục đích cho thuê. Điều lạ là những công trình xây dựng trái phép, bởi không ai dám đặt bút ký cấp phép xây dựng công trình dân dụng trên đất rừng phòng hộ.
Tốn nhiều giấy mực nhất là công trình Khách sạn Seashells ngay tại Dương Đông, thiết kế theo hình một con tàu khổng lồ, tọa lạc ngay bờ biển, sát thắng cảnh Dinh Cậu nổi tiếng, trước mặt nhiều cơ quan, ban ngành của huyện đảo Phú Quốc. Công trình này chỉ được cấp phép xây dựng 7 tầng, nhưng nó được xây lên đến 9 tầng. Cuối năm 2017, Thanh tra Sở Xây dựng vào làm việc mới phát hiện nên yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ 2 tầng vượt. Tuy nhiên, công trình này đến nay vẫn chưa hoàn thành việc tháo dỡ.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra liên ngành theo Quyết định 1581 của UBND tỉnh Kiên Giang, khi kiểm tra 570 công trình tại xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Dương Tơ, Cửa Dương, thì có 358 công trình vi phạm các quy định về xây dựng. Các lỗi cụ thể như xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng vi phạm quy hoạch... Đó chưa phải là con số so với thực tế tại Phú Quốc hiện nay.
Lấn chiếm hành lang biển
Đến Phú Quốc, du khách đều ngỡ ngàng khi những bãi biển nổi tiếng không còn là của chung nữa, người dân địa phương buồn hơn khi những bãi tắm trước đây là của chung đã có chủ. Có thể liệt kê như Bãi Trường, Bãi Dài, Bãi Sao, Bãi Khem... từ hoang sơ, đến nay cực kỳ “hoành tráng”.
Dễ nhận thấy nhất là việc Bãi Trường đang là trung tâm của những dự án lớn ồ ạt mọc lên, kéo hàng loạt ông lớn bất động sản tìm về. Bãi Dài, có sự xuất hiện của một khu phức hợp Vinpearl Phú Quốc, Bãi Khem có Phú Quốc Emerald Bay - do Sun Group xây dựng. Song song đó là hàng loạt khu resort cấp trung bình và nhỏ tại Hàm Ninh, Gành Dầu, Bãi Thơm...
Phú Quốc Emerald Bay – Dự án Phú Quốc của Sun Group tại Bãi Khem
Tuy nhiên, nhiều bãi tắm đang kêu cứu bởi những cá nhân làm kinh tế theo kiểu “ăn xổi” đang phá đi nhiều bãi tắm đẹp. Tiêu biểu như bãi tắm Gành Dầu, đây là một bãi tắm nhỏ, nhưng với phong cảnh và vị trí có thể nhìn thấy các đảo bên nước bạn đã là một trong những điểm dừng chân của du khách.
Hiện tại, nhiều căn nhà xây dựng bán kiên cố đã lấn sát ven biển, cộng thêm những chòi nhà tạm không theo bất cứ một quy hoạch nào - đã biến bãi Gành Dầu thành một bãi “xấu xí” theo đúng nghĩa bởi rác và các công trình lấn hành lang biển nơi đây.
Bãi Gành Dầu đang kêu cứu về vi phạm hành lang biển
Ngoài bãi Gành Dầu, con đường đất đỏ khu làng chài phía tây thị trấn An Thới, hiện cũng đã có chủ. Nơi đây, vốn là một bãi biển hoang sơ, nhưng từ khi dự án cáp treo Hòn Thơm đi vào hoạt động, kéo theo đó bãi biển này sẽ mọc lên một khu phúc hợp hiện đại, nhưng bãi biển này có thể sẽ mất vĩnh viễn nếu việc quy hoạch không đến nơi đến chốn.
Tiếng kêu cứu về sự lấn chiếm hành lang biển không phải là ít, vì thế, đã đến lúc cần những hành động cụ thể của ngành chức năng và đặc biệt là đối với người đứng đầu huyện đảo này?
Tân Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - Mai Văn Huỳnh
Chiều 4/7, HĐND huyện Phú Quốc khóa 10 nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức kỳ họp về công tác nhân sự. Tại cuộc họp này, HĐND huyện Phú Quốc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đối với ông Đinh Khoa Toàn. Đồng thời, bầu chức danh Chủ tịch UBND huyện đối với ông Mai Văn Huỳnh. Như vậy, ông Mai Văn Huỳnh sẽ là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.
Diệu Dương