Quyền lợi NTD được luật hóa chặt chẽ

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, gồm bảy chương, 80 điều.

So với Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ban hành năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) bổ sung thêm Chương III về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD trong giao dịch đặc thù, số lượng các điều tăng từ 51 lên 80 điều.

Theo đó, NTD được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Người tiêu dùng kiểm tra thông tin trước khi mua sản phẩm tại Siêu thị Coop.Mart, thành phố Việt Trì

Điểm mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) đã bổ sung một số quyền của NTD trong xu hướng tiêu dùng mới như: Được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững, yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh.

Luật cũng bổ sung một số nghĩa vụ của NTD như: Tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật... Đây được xem là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD.

Bên cạnh những quy định bảo vệ quyền lợi NTD nói chung, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) đã có cơ chế riêng bảo vệ quyền lợi cho nhóm người dễ bị tổn thương với một số quy định.

Cụ thể là: Những người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh hiểm nghèo... nhằm hỗ trợ tối đa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm NTD đặc thù này.

Không chỉ vậy, điểm mới của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) còn bổ sung một số hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành cung cấp dịch vụ nền tảng số.

Cùng với đó, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD cũng phải nâng lên, bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho NTD... Đối với một số giao dịch đặc thù, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD trong giao dịch không gian mạng, giao dịch từ xa...

Liên quan tới các phương thức giải quyết tranh chấp của NTD, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) đã hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân dự về bảo vệ quyền lợi NTD. Cùng với đó, Luật đã bổ sung trách nhiệm cụ thể của từng UBND cấp tỉnh, huyện, xã; bổ sung, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi NTD...

Theo ông Đặng Việt Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) đã kế thừa, phát huy, hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ban hành năm 2010, đồng thời hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn... Khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) có hiệu lực, các quy định pháp lý sẽ cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn, bảo đảm quyền lợi của NTD được chặt chẽ.

Sự chặt chẽ của Luật cũng là yếu tố quan trọng để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của chủ thể sản xuất; tiếp tục chú trọng minh bạch các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, thành phần nguyên liệu, thông số về an toàn thực phẩm, thời gian sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, góp phần bảo vệ quyền lợi NTD cũng như quyền và lợi ích của doanh nghiệp.

Để Luật đi vào cuộc sống...

Những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Các cấp, ngành của tỉnh đã và đang có nhiều hành động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi NTD.

Năm 2024, với Chủ đề các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam là: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” đã khẳng định tầm quan trọng của thông tin rõ ràng, hàng hóa minh bạch đối với sự an toàn của NTD.

Việc minh bạch thông tin hàng hóa không chỉ là yếu tố quan trọng để NTD kiểm tra, so sánh, đánh giá chất lượng sản phẩm mà còn là cơ sở để các cơ quan quản lý thực hiện chức năng giám sát đối với việc sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên địa bàn huyện Tân Sơn

Cùng với đó, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng đã giúp NTD mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.

Năm 2023, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết khiếu nại 30 vụ theo yêu cầu của NTD. Các vụ việc khiếu nại hoặc đề nghị tư vấn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng về nội dung như: Không ghi nhãn, xuất xứ, số lượng, định lượng, thành phần... của sản phẩm hàng hóa, gây ra tranh chấp giữa bên mua với bên bán thông qua thương mại truyền thống và thương mại điện tử.

Các vụ việc được tiếp nhận bằng phản ánh của NTD thông qua điện thoại và tổng đài bảo vệ NTD 19006838. Tất cả các vụ việc khiếu nại của NTD được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, cẩn trọng, đảm bảo về mặt pháp lý, kỹ thuật và quyền lợi cho bên mua, bên bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Trong năm, không có vụ việc có giá trị lớn cần thụ lý, giải quyết qua hồ sơ khiếu nại của NTD, tỉ lệ vụ việc giải quyết thành công 85%.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, xử lý 1.950 vụ vi phạm, thu phạt nộp ngân sách trên 62 tỉ đồng các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại...

Để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào đời sống, công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng, cần được ưu tiên đi trước một bước.

Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương phát động hưởng ứng nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng về bảo vệ quyền lợi NTD với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định, bền vững; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cơ sở sản xuất, địa điểm kinh doanh, các cửa hàng; đăng các tin, bài có nội dung về công tác bảo vệ quyền lợi NTD, hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội...

Thêm vào đó, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cũng tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động, lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho NTD.

Đăc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là tại các huyện, xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD; tư vấn, hỗ trợ, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương.

T. Hương (Nguồn: https://baophutho.vn/)