Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng cao so với năm 2019, cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu: Ước đạt 1.784,4 triệu USD, tăng 143,3% so với cùng kỳ; đạt 81,1% so với kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu: Ước đạt 1.725 triệu USD, tăng 287% so với cùng kỳ; đạt 84,1% so với kế hoạch năm. Năm 2020: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.500 triệu USD tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 30,2% (Kế hoạch là 12%), Vượt kế hoạch 18,2%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.000 triệu USD; Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 19,9%.

Để có được kết quả trên là do: Khi dịch bệnh covid -19 xảy ra trên diện rộng, Sở Công Thương đã nhanh chóng phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nắm bắt tình hình thường xuyên; đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn; cộng với sự tích cực năng động của các doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nên hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng tích cực và đạt được kết quả đáng mừng. Cơ cấu Kim ngạch XNK của tỉnh Phú Thọ bao gồm: 70% là của doanh nghiệp FDI, 30% là doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp FDI do đã chủ động được thị trường và sản xuất, có dự trữ vật tư phục vụ sản xuất và đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào cho các tháng đầu năm nên vẫn duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu ổn định. Còn lại là doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào cho SX và xuất khẩu, trong đó một số doanh nghiệp phải ngừng SX, lao động phải nghỉ luân phiên, tuy nhiên số doanh nghiệp tạm dừng SX và XNK không nhiều (Công ty TNHH Seshin Việt Nam...).

Tổng kim ngạch xuất khẩu tỉnh Phú Thọ 6 tháng đầu năm 2020

6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao: Có 31 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao từ 01 triệu USD trở lên và đạt 1.626,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 91,2%/tổng số kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh; Riêng các doanh nghiệp FDI trong khu, cụm công nghiệp do Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh quản lý: Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.380/1.400 triệu USD, chiếm tỷ trọng 98,57%. Các doanh nghiệp sản xuất gia công trên địa bàn tỉnh không nằm trong tỷ trọng xuất khẩu (chiếm tỷ trọng nhỏ: 10%).

Doanh nghiệp FDI có giá trị xuất khẩu tăng cao tập trung vào một số ngành trọng điểm như linh kiện điện tử: Công ty TNHH Hanyang Digitech - Khu Công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ đã đi vào sản xuất mảng điện tử từ tháng 11/2019 có giá trị Xuất khẩu trung bình từ 120-150 triệu USD/tháng, riêng tháng 6 đạt 324,9 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 847,4 triệu USD, chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh; Công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ - Khu Công nghiệp Thụy Vân, Việt Trì: 6 tháng đầu năm ước đạt 174,7 triệu USD, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh; Công ty TNHH Almus Vina - Khu Công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ: 6 tháng đầu năm ước đạt 81,2 triệu USD…

Kim ngạch XNK tăng cao tuy nhiên giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 giảm là do

Kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường, dịch bệnh Covid-19 tuy đã được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đã khiến cho sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 khá ảm đạm dù đã có tín hiệu phục hồi khá ở 2 tháng gần đây. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,65% so với cùng kỳ năm trước: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,55; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,14; Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,69%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,04%.

Mặc dù XNK tăng cao nhưng do cách tính (chỉ tính vào giá trị SXCN phần giá trị tăng thêm trong hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu mà phần giá trị tăng thêm này rất nhỏ do các doanh nghiệp FDI chủ yếu là nhập khẩu linh kiện sau đó lắp giáp và xuất đi. Bên cạnh đó các DN trong nước hầu như chỉ gia công nên phần giá trị tăng thêm không lớn. Có đến 14/17 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất giảm so với cùng kỳ, đây chính là nhân tố chủ đạo tác động giảm đến sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, trong đó có các ngành có mức giảm lớn hơn mức giảm chung của nhóm gồm: Sản xuất giường tủ, bàn, ghế (giảm 76,56%); Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nữa,... (giảm 64,37%); In , sao chép bản ghi các loại (giảm 47,08%); Sản xuất đồ uống (giảm 34,67%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (giảm 13,83%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (giảm 12,39%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hóa chất (giảm 11,44%); Dệt (giảm 8,56%)...

Việc chuỗi sản xuất và tiêu thụ trên toàn cầu bị gián đọan đã làm cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng. 

Chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm tới 37,89; Thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khó khăn, lượng hàng tồn kho ở một số ngành tăng cao, gây thiếu hụt các yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trọng điểm của tỉnh như: Dệt may, sản xuất đồ uống, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy,...nhiều doanh nghiệp tồn đọng hàng không xuất khẩu được, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào; Xuất khẩu nông sản bị ngừng trệ: Thị trường Mỹ, Châu âu là thị trường lớn của ngành dệt may, gỗ và chè; Đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động, một loạt các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giày da, vật tư của ngành công nghiệp chế biến, vật tư phục vụ cho sản xuất bị đình trệ từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc do đó không xuất khẩu được (Công ty JNTC Vina, Công ty TNHH Teijin Fontier Shonal, Công ty Cổ phần may Sông Hồng, Công ty Cổ phần may Vĩnh Phú, Công ty Cổ phần Giày Vĩnh Phú...).

Cùng với việc các hoạt động xã hội đã trở lại bình thường và các chính sách xã hội của Chính phủ được triển khai, đầy hứa hẹn sẽ là điểm tựa vững chắc để kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và phục hồi sản xuất công nghiệp tỉnh từ nay đến hết năm 2020.

PV