Khúc sông Chảy, đoạn qua bến Chuối mấy ngày qua xuất hiện hiện tượng hàng trăm người dân bản địa và lân cận mang theo các dụng cụ đào xới, sàng lọc để tìm “đá đỏ”
Bỏ việc đồng áng đi tìm… “đá quý”
Theo những người dân tại đây, tầm 2 giờ sáng, lúc nước sông rút để lại lòng sông trơ trọi cũng là lúc người dân có mặt tại đây. Đến khoảng 10 giờ sáng, khi Đập thủy điện Thác Bà (cách đoạn sông này khoảng 7km) bắt đầu xả nước thì người dân thôi đào xới.
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 10/4, từ 2 giờ sáng, khu vực này đã “lấm tấm” xuất hiện nhiều ánh đèn soi của những người dân đi đào xới cát sỏi. Đến 4 giờ sáng, đứng từ trên cao nhìn xuống, cả khu vực bến Chuối rực sáng như một “thành phố” trong đêm. Thời điểm người dân kéo đến đông nhất trong ngày là khung giờ từ 7 – 9 giờ sáng.
Một người dân dùng bay xây, dao cùn và tay để cào lớp cát sỏi trên bề mặt
Từ ven bờ đến giữa lòng sông cạn, từng người hoặc nhóm người chia nhau ngồi đào xới ở một góc với những dụng cụ thô sơ như bay xây, dao cùn, rổ rá, sàng… để đào xới, gạt, sàng cát liên tục.
Nhiều người già, phụ nữ, trẻ em còn sử dụng tay không để gạt lớp cát sỏi trên bề mặt. Những thanh niên khỏe khắn hơn thậm chí còn sử dụng bao tải để hốt cát sỏi và cho vào một chiếc sàng (rộng khoảng 0,3m2) để tìm kiếm được nhanh hơn. Theo họ, “đá đỏ” nặng hơn nên nằm ở phía dưới lớp cát sỏi, nếu chịu khó gạt, sàng lọc khoảng cát có thể may mắn nhìn thấy.
Mỗi người chọn cho mình một khu vực rồi "đào đào, xới xới"
Khi nước lên, các dấu hiệu đào xới được xóa sạch, và ngày hôm sau, mỗi người lại tự chọn cho mình một chỗ mới để tiếp tục đãi cát tìm… “đá đỏ”.
Không chỉ người dân các xã Đông Khê, Mỹ Bằng (huyện Đoan Hùng) có mặt ở đây mà các xã lân cân ở huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái), thậm chí là người ở tỉnh Tuyên Quang cũng “hay tin” tìm đến để thử vận may.
Người phụ nữ hy vọng "gặp vận may" tìm được... "đá quý"
Thời điểm phóng viên ghi nhận, có khoảng 300 người dân xuất hiện tại khu vực này. Tuy nhiên theo những người nơi đây, trước đó một ngày (vào Chủ nhật, 9/4) là ngày nghỉ nên có cả nghìn người tập trung tại đây, từ người già, thanh niên, phụ nữ, học sinh… đều có. Người dân biết tin đến đây đông đúc bắt đầu từ ngày 5/4.
Theo một người dân tại xã Đông Khê, cách đây khoảng 5 ngày, có một người dân tìm được một viên đá to bằng đốt ngón tay cái tại đây và bán được với giá 140 triệu đồng. Những ngày qua, người ở đây cũng liên tiếp tìm được những viên đá nhỏ hơn (tầm bằng hạt ngô) bán cũng được 10 – 20 triệu đồng.
Những mẩu vụn đá li ti được một người dân cho rằng là vụn "đá đỏ"
Tuy nhiên, khi được hỏi về hình dạng, màu sắc của viên đá mình muốn tìm thấy như thế nào, hầu hết người dân đều trả lời …không biết. Cứ thấy những viên đá nhỏ có hình dáng và màu sắc lạ thì họ lượm hết với đủ màu sắc: trắng, đỏ, hồng, xanh…
Cũng lạ lùng thay, khi phóng viên hỏi có ai đã từng nhìn thấy những viên đá đỏ được tìm thấy ở đây và đem đi bán thì nhiều người trả lời: Không tận mắt nhìn thấy mà chỉ nghe tin đồn nên đến thử… “hên xui”.
“Một đồn trăm, trăm đồn nghìn” khiến sự việc trên làm “đau đầu” chính quyền xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng khi nhiều ngày qua, rất nhiều người dân bỏ cả công việc, ruộng nương, tập trung tại sông Chảy đoạn qua bến Chuối để đào xới, tìm kiếm một thứ mà mới chỉ “tai nghe” chứ chưa “mắt thấy”.
Tin đồn thất thiệt
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thuật, Trưởng Công an xã Đông Khê (huyện Đoan Hùng) khẳng định: “Thông tin khu vực sông Chảy (đoạn qua bến Chuối) có xuất hiện đá đỏ là tin đồn thất thiệt, không có thực”. Ông Thuật cho hay, người dân ở đây không hề biết đến hình hài viên đá đó như thế nào, màu sắc ra sao cũng không nắm được nhưng cứ nghe tin đồn thì kéo nhau đến tìm kiếm.
Người dân tứ phương kéo đến đây mỗi lúc một đông
Ông Thuật cũng xác nhận sự việc người dân tụ tập tại đó đã diễn ra từ khoảng chục ngày trước. Thời điểm đó, có tin đồn là một người dân ở xã Đại Minh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đi giặt ở sông nhặt được viên đá đẹp mang về bán được hàng chục triệu đồng.
Đến lúc này, theo ông Thuật, may mắn chưa xảy ra vấn đề gì liên quan đến an ninh trật tự (mất cắp xe cộ, xô xát đánh nhau…) và môi trường
Ông Doãn Minh Khang, chủ tịch UBND xã Đông Khê khi tiếp phóng viên thể hiện vẻ mặt buồn rầu: “Việc tìm kiếm “đá quý”, tập trung đông người tại khu vực trên gây phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian lao động của người dân và nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng do hàng ngày thủy điện Thác Bà xả nước”.
“Ruộng nương, cây ngô, cây chè đang cần chăm sóc, bười cần phun thuốc mà bà con cứ bỏ công dã tràng vì một tin đồn thất thiệt như thế thật không đáng. Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con và kinh tế chung của xã” – ông Khang nói trong nghẹn ngào.
Nhận thấy sự việc trên có dấu hiệu nghiêm trọng, nếu không kiểm soát sẽ gây bất ổn an ninh trật tự trên khu vực trong thời gian dài, lực lượng công an huyện Đoan Hùng đã vào cuộc điều tra tin đồn và tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh tật tự tại khu vực bến Chuối.
Phòng Kinh tế, công an Huyện Đoan Hùng phối hợp với Công an xã Đông Khê đã đến tận nhà xác minh những trường hợp mà theo tin đồn là nhặt được “đá đỏ” đem đi bán. Tất cả các trường hợp người dân như ông Phùng Ngọc Q (thôn 2, xã Đông Khê), bà Nguyễn Thị L (Thôn 1, xã Đông Khê)… đều thừa nhận có ra bến Chuối tìm kiếm và nhặt được những mẩu đá nhỏ như hạt đậu và không hề có giá trị cao, không có chuyện mang đi bán, được hàng chục, hàng trăm triệu. Những người dân trên cũng cam đoan từ giờ sẽ không ra bãi sông và vận động mọi người không tập trung đông người ở đó gây mất an ninh trật tự.
Khi thủy điện xả nước cũng là lúc mọi người ra về
Hiện tại, Công an huyện Đoan Hùng và chính quyền xã Đông Khê đang phối hợp với nhau thường xuyên túc trực tại bến Chuối để đảm bảo an ninh trật tự và môi trường. Các đoàn thể cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không tụ tập đông người tại đây. An ninh tại đây đang dần được thắt chặt.
Anh Đức – Duy Thế