Đợt DTLCP vào năm 2019 đã lan rộng ra 218 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh (các ổ dịch hầu hết chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) chỉ có 2 trang trại phát sinh dịch; tổng số lợn buộc tiêu hủy là 57.400 con, số lượng tiêu hủy trên 3,3 nghìn tấn; gây thiệt hại cho nhà nước và người chăn nuôi trên 130 tỷ đồng. Mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển đàn lợn lên mức 800.000 con, trong đó đảm bảo cơ cấu đàn lợn nái từ 12 - 15%. Do vậy, hiện nay các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang tập trung tái đàn, tăng đàn, sản lượng xuất chuồng trung bình mỗi tháng khoảng 10.000 tấn.

Trang trại chăn nuôi của ông Bùi Quang Hiệu xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.Trang trại chăn nuôi của ông Bùi Quang Hiệu xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao.

Toàn tỉnh hiện có 213 cơ sở chăn nuôi quy mô từ 50 con lợn nái hoặc 500 lợn thịt trở lên, với tổng đàn 174 nghìn con, chiếm trên 28% tổng đàn lợn toàn tỉnh; có 17 doanh nghiệp tham gia chăn nuôi lợn. Các cơ sở chăn nuôi có quy mô đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng DTLCP để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở chăn nuôi có quy mô thì toàn tỉnh có trên 40.000 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Sau một thời gian dịch bệnh được kiểm soát, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phát sinh tâm lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hoạt động tái đàn gia tăng, trong khi việc vận chuyển, buôn bán lợn giống chưa được quản lý chặt chẽ; điều kiện vệ sinh chuồng trại tại các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ không đảm bảo, không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học; hoạt động giết mổ nhỏ lẻ chưa được quản lý chặt chẽ làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Nhằm ngăn chặn DTLCP tái phát, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo của trung ương, của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát đến từng hộ nuôi lợn, nhất là kiểm soát con giống, khuyến khích việc tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi theo hình thức trang trại chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi để xác định nguồn cung ứng con giống an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, những ngày qua, lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở đã khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống dịch như: Kiểm tra, rà soát số lượng đàn lợn của địa phương; tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, tránh lây lan ra diện rộng. Đồng thời tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao tái phát dịch bệnh như các ổ dịch cũ, khu vực tiêu hủy, cơ sở thu gom, giết mổ...; tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tích cực phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn bảo đảm an toàn sinh học. Yêu cầu người chăn nuôi thực hiện việc kê khai với chính quyền cơ sở trước khi tái đàn. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch cho các cơ sở giết mổ, cơ sở nuôi lợn.

PV