Thị trường bị tác động bởi nhiều yếu tố khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng phi mã đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của người tiêu dùng. Để thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, người tiêu dùng đã kết hợp song song giữa hình thức mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống với mua hàng trực tuyến trên Sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội Zalo, Fabook... Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phát triển đa dạng các hình thức sản xuất, kinh doanh nhưng cũng sẽ là khó khăn đối với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng trong việc quản lý, lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 04 trung tâm thương mại,16 siêu thị, 197 chợ truyền thống và hàng nghìn cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa phân bố ở khắp các huyện, thành, thị. Theo Sở Công Thương Phú Thọ, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; tăng cường công tác bảo hành sản phẩm, tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; thường xuyên tổ chức các hoạt động khuyến mại, tặng quà để tri ân khách hàng, kích cầu tiêu dùng.
Cùng với thực hiện nghiêm các quy định bán hàng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng cũng có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và nắm được các quyền của mình trong giao dịch, mua bán hàng hóa như: Chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với các loại thực phẩm tươi sống, có hạn sử dụng ngắn ngày...
Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định. Hằng năm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về chất lượng hàng hoá, dịch vụ, trong đó tập trung hướng dẫn người tiêu dùng về cách thức mua hàng, các dấu hiệu nhận biết hàng thật và hàng giả, hàng kém chất lượng; phổ biến các quy trình, cách thức thực hiện phản ánh, khiếu nại đến các cơ quan chức năng khi quyền của người tiêu dùng bị xâm phạm hoặc khi phát hiện các hiện tượng vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Song song với công tác tuyên truyền, các đơn vị chức năng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, người tiêu dùng nâng cao nhận thức, tích cực tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín. Khi mua hàng hóa yêu cầu bên bán hàng cung cấp hóa đơn, giấy và địa chỉ bảo hành đối với các loại hàng hóa có bảo hành; đồng thời thực hiện các thao tác kiểm tra bằng cách quyét mã QR trên điện thoại thông minh để biết thêm thông tin về sản phẩm.
Bước sang năm 2022, mặc dù diễn biến dịch bệnh và nhiều khó khăn tiếp tục kéo dài nhưng với sự chuẩn bị từ xa, từ sớm của các kế hoạch và nội dung thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có thể tin tưởng rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Phú Thọ sẽ tiếp tục đạt được nhiều cột mốc mới, góp phần nâng cao giá trị đời sống cho người dân và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.
Hoan Nguyễn