Cùng với đó, đầu tư bằng vốn tự có của khu vực DNNN giảm 7,9%, vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch của DNNN cũng giảm tới 23,4%. Nghiên cứu của CIEM về hiện trạng DNNN còn cho thấy khu vực này giảm cả hiệu quả hoạt động. Đây là điều đáng lo ngại vì với lợi thế có nhiều nguồn lực, nhiều tiềm năng, lẽ ra đầu tư của các DNNN phải bảo đảm yêu cầu dẫn hướng, đầu tư vào các dự án kết nối quy mô lớn theo kế hoạch để thúc đẩy đầu tư của các khu vực khác.

Phương án cho cơ chế giám sát doanh nghiệp nhà nước - Hình 1

Ảnh minh họa

Báo cáo của Chính phủ về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy, đến hết năm 2016, cả nước còn 583 DNNN do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ. Tổng vốn chủ sở hữu tại các DNNN là gần 1,4 triệu tỷ đồng, tổng tài sản là hơn ba triệu tỷ đồng.

Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ; hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tại một số DN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước...

Đáng lưu ý, tổng số nợ phải trả của DNNN cao, tăng từ mức gần 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng năm 2016 (tăng 26%). Việc quản lý, sử dụng tài sản của DNNN (bao gồm quyền sử dụng đất) vẫn còn nhiều sai phạm.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, nhất là những vi phạm nghiêm trọng, khó khắc phục, chủ yếu xuất phát từ những hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với DNNN. Cụ thể, việc giám sát còn chồng chéo, mang nặng tính hành chính, chủ yếu căn cứ vào báo cáo của doanh nghiệp hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu. Do đó, chưa có tác dụng phát hiện, ngăn ngừa sai phạm, chưa phản ánh được yêu cầu và đòi hỏi của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.

Cùng với tiến trình tái cơ cấu DNNN, việc đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu đang đặt ra cấp thiết. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã được thành lập từ đầu năm 2018 và dự kiến đi vào hoạt động từ quý III năm nay. Ủy ban đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất, đầy đủ về DNNN theo đúng nguyên tắc giám sát thường xuyên, liên tục theo thời gian thực, có thể tương thích với hệ thống Chính phủ điện tử và tự động đưa ra cảnh báo khi phát hiện có chỉ số biến động vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng đến “sức khỏe” doanh nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là bước quan trọng, bởi thông tin là nguồn lực quan trọng nhất của công tác quản lý và là yếu tố quyết định hiệu quả giám sát. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Ủy ban cần hoạt động với tư cách một nhà đầu tư, đặt ra mục tiêu để các doanh nghiệp phát huy khả năng sáng tạo, nâng cao tính chịu trách nhiệm cá nhân.

Bảo Ngọc (T/h)