Hàng chục gia đình, mang nhiều dòng họ khác nhau, từ các miền quê đã về đây tụ hội, an cư. Phần lớn, họ là những người lính Bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, công chức, viên chức…, sau mấy mươi năm xung trận, cống hiến sức lực cho đất nước - đã “gác kiếm” - về với đời thường.

Đại hội đại biểu lần thứ VII nhiệm kỳ 2020 – 2025 - Đảng bộ phường Nghĩa TânĐại hội đại biểu lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) - Đảng bộ phường Nghĩa Tân

1. Gần 30 năm trước, mảnh đất hoang vắng, quạnh hiu đã được tách ra từ thị trấn Nghĩa Đô (huyện Từ Liêm, nay là phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy), mang tên mới: Thị trấn Nghĩa Tân. Thị trấn mới thành lập với không ít khó khăn, nhọc nhằn, mà tôi - khi đó là cán bộ Bưu tá UBND thị trấn - Phó bí thư Đoàn thị trấn được chứng kiến.

Mấy mươi năm, có biết bao đổi thay, gắn với bao cuộc đời, ngồn ngộn những kỷ niệm buồn vui nơi miền quê mới. Nay nhìn lại, suy ngẫm và có sự cảm nhận sâu sắc…

Ngày ấy, thị trấn Nghĩa Tân còn là nơi đồng không mông quạnh, thuộc huyện Từ Liêm. Con đường 800 “độc đạo” chạy từ dốc Bưởi tới ngã tư Viện E (nay là ngã tư đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Phong Sắc và Trần Cung), được rải vội lớp nhựa cứng đã xấu, lại hẹp. Thưa thớt người qua lại.

Sớm sớm, xuất hiện những chiếc xe đạp thồ “cõng” đầy phân lỏng kĩu kịt trên đường. Thi thoảng, có người dắt trâu, dắt bò đi ngang, rẽ dọc. Hai bên đường là những ao, đầm, ruộng trũng, bãi tha ma “giăng bủa”. Cỏ hoang, hoa dại, chen nhau mọc thành rừng.

Rồi những dãy nhà 5 tầng cả bên khu Bắc và khu Nam từng bước được hoàn thành. Ban đầu, lác đác người đến ở. Cảnh tượng hoang vắng. Đường thì lúc nào cũng bẩn thỉu, bụi tung bụi mù như đang bày trận giả. Đêm đêm, tiếng ếch nhái, côn trùng nghe não ruột. Bập bùng ánh lửa đỏ bên những bãi tha ma (người ta đốt lửa để sang cát mồ mả), lập lòe như ma trơi khiến người “yếu bóng vía” ngại ra đường…

Từ ngày hình thành thị trấn (cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể dẫu mới chỉ là vài căn phòng nhỏ thuê tạm tại khu nhà A, khu Nam), cuộc sống nơi đây như hửng ánh bình minh. Số người về an cư ngày một thêm đông đúc.

Nếu ai đã một lần đi qua nơi này, chứng kiến những cảnh tượng thời đó, nay trở lại hẳn không khỏi ngỡ ngàng. Gần 30 năm qua, mảnh đất quạnh hiu đã “lột xác” và thay đổi từng ngày.

Hiện diện trên địa bàn phường là hàng loạt cơ quan lớn của Trung ương, trong đó, phải kể đến Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị một số bộ, ngành, khối trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp.

Những bãi tha ma được di dời; ao, đầm, ruộng trũng được san lấp; cỏ hoang, cây dại được dọn sạch. Thay vào đó là hàng chục nhà cao tầng với nhiều kiểu cách kiến trúc hiện đại mọc lên.

Giờ đây, Nghĩa Tân đã trở thành một trong những phường lớn của quận Cầu Giấy, có mô hình một khu dân cư mới theo đúng nghĩa của nó: Chợ luôn tấp nập, nhộn nhịp; có nhiều dãy nhà tập thể 5 tầng; có Bệnh viện E; có đường, ngõ thoáng đãng, hàng chục sân chơi rộng, rồi bể bơi… và đặc biệt nơi đây mọc lên vô số vườn cây xanh, rợp bóng mát.

Trường THCS Nghĩa TânTrường THCS Nghĩa Tân

Tôi bách bộ, dạo quanh một vòng Nghĩa Tân, dưới những tán cây xanh cao vút. Lòng chộn rộn. Sau hơn 1/4 thế kỷ, khu vực này đã mọc lên cơ man nào là cây xanh các loại.

Quanh hồ Nghĩa Tân, khu vực các trường trung học, tiểu học, mầm non…, hiện hữu những vườn cây xanh, cây nào cây nấy vươn cao vươn thẳng giữa đất trời cao lồng lộng gió và nắng. Nhiều bậc cao niên, mỗi khi dạo quanh đây thì đều trầm trồ: “Rừng cây đẹp quá - tựa lá phổi xanh nhả không khí trong lành, mát mẻ cho cả một không gian rộng!”…

2. Con đường 800 - nay là đường Hoàng Quốc Việt nguy nga, tráng lệ, chạy suốt từ dốc Bưởi thẳng tới đường Phạm Văn Đồng, dài gấp đôi so với trước đây (khoảng 3 km). Hồi nào, lòng đường chỉ rộng chừng 8 m, thì nay đã rộng gấp 4 lần, bao gồm 2 làn đường một chiều; dải phân cách trồng hoa, cây cảnh. Hai bên đường, xây những vỉa hè cao, rộng, sạch đẹp.

Dọc 2 bên vỉa hè, những cây bằng lăng cao bằng hai đầu người, đang mùa hoa nở khoe sắc tím. Hàng cây họ xà cừ thay cho dải phân cách giữa 2 làn đường, đang kỳ sung sức cứ vươn thẳng, vươn cao. Bằng lăng rủ bóng mát vỉa hè cho người đi bộ; tán cành lá họ xà cừ đủ để che chắn cho cả một... rừng hoa, cây cảnh dài tít tắp. Cơ man nào là hoa, cây cảnh được trồng và được chăm sóc, cắt tỉa rất công phu qua bàn tay các anh, các chị nhân viên Công ty Cây xanh và Môi trường đô thị…

Phải thấy rằng, để có một tuyến đường Hoàng Quốc Việt như hôm nay, thành phố đã phải bỏ ra bao nhiều tiền của, mồ hôi công sức mới tạo lên. Mọi người nhận thức được điều đó nên hưởng ứng và cùng nhau tham gia xây dựng “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp - văn minh” - dưới nhiều hình thức: Chấp hành tốt luật lệ khi tham gia giao thông trên đường; không đi xe, không tự do bày bán, vứt rác trên vỉa hè; không bẻ cành; bẻ lá; không bứt hoa, dẫm lên cỏ…

Đêm xuống, đứng trên cao ốc nhìn xuống qua sáng điện, nhất là từ hàng cột đèn cao áp, mới cảm nhận hết vẻ lung linh, huyền ảo, vừa kiêu sang, hiện đại của một khu đô thị. Ngày và đêm trên đường, xe, người qua lại rầm rập, nhộn nhịp không ngớt.

Cây xanh quanh Thủ đô Hà Nội không chỉ là lá phổi, mà còn giúp giảm nhiệt vào mùa hè nóng bức khi mức độ bê tông hóa ngày càng dày đặc. Nếu nói theo nhà Phật “Vạn vật sinh linh” - thì cây xanh Hà Nội còn là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.

Mấy chục năm qua, công tác phát triển cây xanh ở phường Nghĩa Tân, được triển khai một cách liên tục, thường xuyên.

Tổ trưởng Tổ dân phố 18 (Bắc Nghĩa Tân) Nguyễn Văn Vang tự hào: “Nghĩa Tân là quê hương mới của hầu hết bà con ở tứ trấn, từ nhiều địa phương trong nước về tụ họp, sinh sống. Nơi đây, mọc lên lớp lớp tòa nhà chung cư mọc lên; đầy rẫy các cửa hàng, cửa hiệu, rồi trường học, bưu điện, trạm xá… Nhưng còn một Nghĩa Tân, có lẽ ít giống với các khu chung cư trên dưới 30 năm đó là có nhiều khoảng trống rộng rãi, thoáng đạt và nhất là có nhiều cây xanh”.

So với nhiều phường mới của Thủ đô, Nghĩa Tân, dẫu chỉ “khoanh tròn” trong một diện tích không lớn, nhưng có thể nói, cây xanh ở đây xếp vào bậc nhất - nhì về số lượng. Bao bọc quanh các phố phường là những hàng cây xanh. Quanh các chợ chính, chợ tạm đều có cây xanh. Hết thảy những khoảng trống dù là rộng hay hẹp, người dân đều quan tâm “cắm” các loại cây xanh, cây cảnh. Rồi quanh bờ mương, trước và sau nhà cũng mọc lên cây xanh.

Điều đáng nói, hễ nơi nào, chỗ nào, một cây bị đốn, hoặc bị chết thì ngay sau đó, một cây mới khác được trồng thay thế. Những khoảng trống trở thành sân chơi, bãi tập. Sớm sớm, chiều chiều, người già đông đủ, tấp nập tập dưỡng sinh; các bé gái, bé trai nô đùa, chạy nhảy…

Cảnh sống thanh bình, thoáng mát, cởi mở! Không khí trong lành, ít ra cũng thấy dễ chịu, thấy “sướng” hơn nhiều so với những khu chung cư, khu đông dân chật chội.

Từ nhiều địa phương, quê hương của mọi miền Tổ quốc, có biết bao con người cùng về đây tụ họp, xây nên “mái nhà chung” với tinh thần đoàn kết, đậm đà tình làng nghĩa xóm “tương thân tương ái”.

Người Nghĩa Tân cùng chung sức, chung lòng “xây” nên một cộng đồng theo đúng tiêu chí và thước đo:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Truyền thống đó là truyền thống lâu đời - phong cách lâu đời của người Hà Nội - được bắt nguồn từ gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội - nó không chỉ là một đơn vị kinh tế, mà còn là một đơn vị văn hóa, có chức năng cơ bản giáo dục con người ngay từ thuở còn thơ và suốt cả cuộc đời. Xây dựng và phát huy truyền thống gia đình là một việc rất hệ trọng để thực hiện chức năng cơ bản đó.

Dẫu còn chưa hoàn thiện, song người Nghĩa Tân hôm nay đều có quyền tự hào bởi đã góp một phần quan trọng trong việc “níu” những truyền thống quý báu của cha ông để lại.

Những truyền thống ấy, tiếp tục được gìn giữ, nâng niu trân trọng, không ngừng bồi dưỡng để nó trở thành “của báu” trong nhà, được thể hiện trong đương đại và ngày càng hiện đại. Trân trọng giữ gìn và phát huy bản sắc ấy là quá trình nhiều thế hệ nối tiếp nhau của người Hà Nội gốc, Hà Nội “cũ”, Hà Nội “mới” từ hôm qua, hôm nay và ngày mai…

Một góc đường Hoàng Quốc ViệtMột góc đường Hoàng Quốc Việt

3. Sau ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), Hà Nội được mở rộng, vùng đất Nghĩa Tân được hình thành các đơn vị cơ quan nhà nước, nhà máy, xí nghiệp và khu dân cư.

Cơ quan đầu tiên xuất hiện là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Nơi đây, tháng 9/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã được tổ chức tại hội trường lớn của trường. Cũng tại hội trường này, ngày 1/6/1992, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Nghĩa Tân (nay là phường Nghĩa Tân) đã long trọng tổ chức Lễ công bố thành lập thị trấn.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Nghĩa Tân tiếp tục giành được những thành tích có ý nghĩa thiết thực, làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội.

Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Nghĩa Tân đã đề ra các chủ trương, nghị quyết và biện pháp mang lại hiệu quả, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng quận Cầu Giấy văn minh, hiện đại.

Đảng bộ phường đã sớm xác định tiềm năng, thế mạnh, nhận thức rõ cơ hội và thách thức trong chặng đường phát triển thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xác định rõ vai trò chính trị và kinh tế của phường đó là xây dựng nguồn lực con người: Giảng dạy và học tập - học tập suốt đời để tạo ra sản phẩm tri thức chất lượng cao.

Lao động trí óc, lao động sáng tạo tham gia đóng góp nhiều chủ trương, biện pháp cho Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển hội nhập hiện nay của đất nước, tạo ra nguồn của cải vật chất lớn phục vụ xã hội, tăng thu nhập cho gia đình, tạo ra các thế hệ tiếp nối xây dựng nguồn tri thức chất lượng cao cho đất nước; kinh doanh, dịch vụ, khuyến khích kinh tế hộ gia đình phát triển…

Hội nghị trao thoát cận nghèo năm 2018Hội nghị trao thoát cận nghèo năm 2018

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, Vũ Thị Thủy cho biết:

“Trải qua gần 30 năm thành lập, xây dựng và phát triển, phường Nghĩa Tân với sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và hết thảy người dân qua các thời kỳ - vượt qua bao khó khăn, thử thách, đến nay đã đạt được những kết quả nổi bật.

Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, các tuyến phố mới về kinh doanh - dịch vụ ngày càng phát triển; các loại hình dịch vụ cao, tài chính - ngân hàng… tiếp tục được duy trì và phát triển tốt. Việc đẩy mạnh quản lý, khai thác có hiệu quả chợ Nghĩa Tân và hàng trăm hộ kinh doanh tại các tuyến phố Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình, Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Nguyễn Phong Sắc… đã đóng góp vào ngân sách của phường, bình quân năm sau cao hơn năm trước 15%.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội từng bước được chăm lo, phát triển. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân được chú trọng.

Phường luôn duy trì và đẩy mạnh các phong trào đoàn thể, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – xã hội; làm tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Hàng năm, có từ 92 - 95% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Công tác giáo dục - đào tạo đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên.

Công tác quốc phòng - quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng dân quân, công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Xây dựng tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…

Phường Nghĩa Tân, được quận Cầu Giấy chọn làm điểm trong công tác giải quyết thủ tục hành chính - đã tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả”…

Suốt chặng đường hơn 1/4 thế kỷ, dẫu gặp nhiều khó khăn, song rất đỗi tự hào. Các thế hệ cán bộ đã dồn tâm huyết, đặt những “viên gạch” vững chắc đầu tiên cho sự phát triển của địa phương.

Sự phát triển của phường Nghĩa Tân - được thể hiện rõ nét trong các mặt chính trị, văn hóa – xã hội, giáo dục, y tế, an ninh - quốc phòng… Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, của quận Cầu Giấy, cũng như các ban, ngành, Nghĩa Tân đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội, môi trường đô thị trên địa bàn phường ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Nghĩa Tân tiếp tục giành được những thành tích trong lĩnh vực kinh tế, các khu vực ngày càng phát triển như tài chính, ngân hàng…

Phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân, Lâm Văn Thảo nhấn mạnh:

“Những kết quả đạt được trong chặng đường gần 30 năm xây dựng và phát triển - đã góp phần quan trọng tạo động lực - niềm tin và khí thế mới để tập thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong phường phấn đấu vươn lên, giành nhiều thắng lợi trong những năm tới.

Điều đó khẳng định ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo - tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Nghĩa Tân tự tin trên bước đường đổi mới và hội nhập”.

Đại hội Đảng bộ phường Nghĩa Tân nhiệm kỳ 2020 – 2025 (tổ chức ngày 12/5) khẳng định: Phát huy đoàn kết, chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực; tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, xây dựng phường Nghĩa Tân ổn định về an ninh, trật tự an toàn xã hội, thống nhất về chính trị, tư tưởng, đồng thuận trong nhân dân - tạo mọi nguồn lực xây dựng phường phát triển vững chắc…

Xuân Phong