Từ nhiều năm trước, PVFCCo đã chú trọng phát triển lĩnh vực sản xuất hóa chất, trong đó tập trung vào các sản phẩm hóa chất dầu khí, hóa chất chuyên dụng. Tháng 04/2014, PVFCCo đã phê duyệt dự án đầu tư công trình nâng công suất phân xưởng NH3 của Nhà máy Đạm Phú Mỹ lên thêm 20% công suất thiết kế, tương đương tăng thêm 90 nghìn tấn/năm (từ 450 nghìn tấn/năm lên 540 nghìn tấn/năm), sử dụng cùng công nghệ của Hãng Haldor Topsoe A/S (Đan Mạch).
Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 18/09/2015, liên danh nhà thầu Technip (Italia) - PTSC làm tổng thầu. Đến cuối tháng 01/2018, xưởng NH3 nâng cấp chính thức đượcđưa vào vận hành thương mại, cung ứng sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm NH3 tăng thêm được sử dụng làm nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất NPK Phú Mỹ công nghệ hóa học và đáp ứng nhu cầu NH3 trong nước ngày càng tăng để sản xuất các sản phẩm phân bón, cao su, luyện kim và xử lý môi trường.
Ngay sau đó, PVFCCo đã có một khởi đầu suôn sẻ khi cùng lúc đó giá NH3 trên thị trường tăng cao, đạt trên 320 USD/tấn, tăng tương đương trên 30% so với 1 năm trước. Mức giá này sau đó tiếp tục được duy trì và tiếp tục tăng.
Kể từ đó đến nay, PVFCCo luôn chú trọng song song hai mảng sản phẩm chính là phân bón và hóa chất. Đặc biệt, trong khoảng 2 năm qua, PVFCCo đã tích cực phát triển mảng hóa chất với mục tiêu phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu cả nước và khu vực trong ngành phân bón và hóa chất phục vụ dầu khí.
Hiện tại, PVFCCo sở hữu bộ sản phẩm hóa chất khá đa dạng, gồm: NH3 (ammonia), UFC 85, CO2 và các hóa chất chuyên dụng dầu khí. Tổng sản lượng sản xuất mỗi năm đạt trên 600 nghìn tấn, trong đó lớn nhất là NH3 với 540 nghìn tấn, dẫn đầu về cung cấp NH3 tại Việt Nam. Mức đóng góp về doanh thu và lợi nhuận của PVFCCo từ mảng hóa chất ngày càng tăng cao, chiếm khoảng 20% tổng lợi nhuận của PVFCCo.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng NH3 của PVFCCo cung ứng ra thị trường ở mức cao, đạt 36.000 tấn (ước cả năm 2022 đạt 70.000 tấn). Qua đó, PVFCCo tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu về cung cấp NH3 cho các nhà máy nhiệt điện, sản xuất bột ngọt, cao su... duy trì thị phần khoảng 90% tại thị trường phía Nam. Do được hưởng lợi từ giá hóa chất trên thế giới tăng cao, biên lợi nhuận của nhóm sản phẩm hóa chất của PVFCCo tăng khá mạnh, đặc biệt là NH3. Nếu như năm 2020, biên lợi nhuận gộp của hóa chất đạt 23% thì sang năm 2021 đã đạt 46% và 6 tháng đầu năm 2022 tăng lên 55%.
Trong thời gian tới, PVFCCo tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển mới đối với mảng hóa chất với kỳ vọng doanh thu mảng hóa chất sẽ chiếm 50% tổng doanh thu, giúp PVFCCo ngày càng cân bằng hơn và bước đi vững chắc bằng cả hai chân “phân bón” - “hóa chất”.
Trúc Vân - Trần Mạnh