Theo đó, qua công tác nắm bắt thông tin báo chí phản ánh tại Hà Nội và một số địa phương lân cận có tình trạng người dân “đổ xô” đi tìm mua các sản phẩm hàng hóa như: máy phát điện, quạt tích điện, quạt hơi nước, thiết bị làm mát tiết kiệm điện, khiến thị trường sản phẩm này có dấu hiệu bị “cháy hàng” do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm tăng giá (định giá mua, giá bán bất hợp lý) nhằm trục lợi trong kinh doanh lưu thông các mặt hàng này, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chu Xuân Kiên yêu cầu:
Đội trưởng các đội quản lý thị trường trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, địa bàn, lĩnh vực được giao, chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ quản lý thông tin địa bàn, lĩnh vực;
Giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với hoạt động kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa: máy phát điện, các loại quạt tích điện, quạt hơi nước, thiết bị làm mát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao để tăng giá nhằm thu lợi bất hợp pháp; kinh doanh, vận chuyển, lưu thông các sản phẩm, hàng hóa thiết bị điện (máy phát điện, quạt tích điện, máy làm mát...) nhập lậu, hàng giả, không đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng.
Theo thống kê của EVNHANOI, lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày trên toàn thành phố tháng 3/2023 là 58.336 triệu kWh, tháng 4/2023 là 61.542 triệu kWh, tháng 5/2023 là 75.406 triệu kWh.
Bình quân lượng điện tiêu thụ tháng 5 đã tăng hơn 22,5% so với bình quân tháng 4. Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố thậm chí nguy cơ cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường. Do đó, để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội đã phải ngừng, giảm cung cấp điện khẩn cấp.
Nguyễn Kiên