Lực lượng QLTT Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa vi phạmLực lượng QLTT Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa vi phạm

Trong tháng 5, hoạt động buôn lậu trên địa bàn tỉnh diễn ra nhỏ lẻ. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đã giảm, một số cửa khẩu hoạt động trở lại, theo đó hoạt động buôn lậu trên khu vực biên giới được trà trộn kèm theo các mặt hàng nhập khẩu hợp pháp; gian lận về số lượng hàng hóa trong nhập khẩu, sau đó vận chuyển lên các xe ô tô về phía sau tiêu thụ. Ngoài ra, trên địa bàn còn xuất hiện tình trạng các mặt hàng nhập lậu được vận chuyển ngược từ các tỉnh lên Lạng Sơn để tiêu thụ.

Tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm giống nhập lậu qua biên giới bắt đầu xuất hiện tại khu vực biên giới huyện các huyện Lộc Bình, Văn Lãng với quy mô nhỏ lẻ.

Gian lận thương mại qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn tiềm ẩn phức tạp do hạn chế mở cửa khẩu, lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục hải quan điện tử để khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số, xuất xứ hàng hóa.

Trước tình hình đó, Cục QLTT tỉnh đã tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác chống buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm; tăng cường kiểm soát chống buôn lậu qua đường mòn biên giới, qua dịch vụ bưu chính.

Cục ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là mặt hàng xăng dầu; chống vận chuyển, kinh doanh hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; chống xuất lậu mặt hàng gạo, chống nhập lậu gia cầm, tôm giống; chỉ đạo các biện pháp bình ổn giá thịt lợn.

Lãnh đạo Cục trực tiếp kiểm tra thị trường theo kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020; kịp thời chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy trình chuyên môn nghiệp vụ của công chức, đơn vị trực thuộc.

Đối với mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, Cục chỉ đạo các đơn vị thực hiện giám sát việc điều chỉnh giá định kỳ theo quy định của Bộ Công Thương - Bộ Tài chính nhằm kiểm sát việc chấp hành các quy định về điều chỉnh giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thường xuyên áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để giám sát thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh; chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng LPG chai.

Cục tiếp tục quán triệt công chức và người lao động tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 gắn với việc duy trì công tác chuyên môn; chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện tuyên truyền về pháp luật thương mại, kịp thời kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm về giá, gian lận thương mại về hàng hóa vật tư y tế; kiểm soát thị trường không để xảy ra các hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, ép giá, gây rối loạn thị trường.

Kết quả, trong tháng 5, lực lượng chức năng Cục tiến hành tổng kiểm tra 266 vụ; Số vụ vi phạm 228 vụ. Tổng số tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính gần 1,420 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 686 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 226,3 triệu đồng; buộc các đối tượng vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là gần 500 triệu đồng.

 Nguyễn Kiên