Toàn cảnh Hội thảo khoa học bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Chúa Nguyễn
Toàn cảnh Hội thảo khoa học bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Chúa Nguyễn

Ngày 22/11, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội thảo khoa học về “Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong. Những giá trị lịch sử, văn hóa và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng cũng như tầm vóc, vai trò, vị trí của các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong đối với sự nghiệp mở cõi về phương Nam của các Chúa Nguyễn để hình thành lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam hoàn chỉnh như ngày hôm nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, khẳng định việc khai mở vùng đất dinh Ái Tử, Dinh Bát và Dinh Cát trên đất Quảng Trị là tầm nhìn lớn của Chúa Nguyễn về phát triển xứ Đàng Trong. Từ đất Triệu Phong, các Chúa Nguyễn không những mở đầu cho hành trình mở cõi mà cũng mở đầu cho chính sách mở cửa tích cực, giao dịch với nhiều nước ở phương Đông và phương Tây, khai sinh "trung tâm thương mại quốc tế" Hội An. Vai trò của các dinh phủ Chúa Nguyễn tại Triệu Phong không chỉ mở đầu cho sự nghiệp của các Chúa và Vua Nguyễn, mà còn mang tính định hướng cho sự phát triển trong xu thế của đất nước là mở cõi, bảo vệ chủ quyền đi đôi với chính sách mở cửa phát triển ngoại thương của thời đại hàng hải kết hợp với hàng hóa mang tính toàn cầu. Các Chúa Nguyễn đã thành công và vùng đất Triệu Phong, Quảng Trị đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của dân tộc, nơi ghi dấu chính quyền đầu tiên trong hành trình mở cõi. Vì vậy, cần sớm phục dựng, tôn vinh và phát triển du lịch đối với Khu di tích Chúa Nguyễn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cần xây dựng tuyến du lịch di sản Chúa Nguyễn từ Thanh Hóa (nơi phát tích của vương triều Nguyễn), Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế (có phủ Chúa và lăng mộ các Chúa), lấy Triệu Phong làm trung tâm, vì đây là khu dinh phủ đầu tiên của Chúa Nguyễn và là điểm đầu hành trình mở cõi. Đồng thời, xây dựng tour du lịch nội tỉnh: Hệ thống thủ phủ, kinh đô, thủ đô của các Nhà nước Việt Nam trên đất Quảng Trị theo lịch đại, gồm có: Các dinh phủ Chúa Nguyễn tại Triệu Phong thời chúa Nguyễn; Tân Sở - Kinh đô yêu nước triều Nguyễn mở đầu phong trào Cần Vương; Cam Lộ - Thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (1973-1975).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết: Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558 - 1626)” đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố vào dịp kỷ niệm 465 năm Đoan Quận công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong. Đồng chí Hoàng Nam đề nghị, huyện Triệu Phong kịp thời công bố quy hoạch di tích Nguyễn Hoàng; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trong nhân dân và xã hội những giá trị lịch sử, những công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đặc biệt là công lao mở cõi. Các ngành chức năng tiến hành khai quật khảo cổ toàn diện, trên phạm vi, quy mô rộng tại dinh Chúa Nguyễn; tập trung sưu tầm, thu thập các tài liệu, tư liệu, hiện vật, phục vụ nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Trước mắt, địa phương cần tiến hành khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc chỉ giới, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất di tích, ưu tiên huy động các nguồn lực xã hội hóa và nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình như đền thờ Nguyễn Hoàng để tôn vinh, tri ân, tưởng niệm, hướng đến kỷ niệm 500 năm Ngày sinh của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 – 2025).

Ông Nguyễn Hoàn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị
Ông Nguyễn Hoàn, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong và các sở, ngành, đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, công tác lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn” không được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đồng thời hạn chế việc giải phóng mặt bằng nhưng phải đảm bảo được giá trị lịch sử của di tích.

Để đạt được yêu cầu đó, UBND huyện Triệu Phong và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát lại diện tích trong vùng di tích phù hợp với hiện trạng, không nên mở rộng quá nhiều, xây dựng di tích theo điểm, nếu vướng dân cư thì đưa vào trong vùng bảo vệ di tích, người dân vẫn sinh sống bình thường. Trước mắt, tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng tại điểm di tích dự kiến xây dựng đền thờ, tượng đài Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, nhà trưng bày hiện vật, quảng trường, các điểm khác mang tính chất kết nối để hoàn chỉnh di tích.

Quá trình lập quy hoạch, cần tính toán đến yếu tố sử dụng đường thủy để khai thác sản phẩm du lịch và đảm bảo các yêu cầu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đề ra. Công tác lập quy hoạch bước nào phải chắc bước nấy để sau khi phê duyệt quy hoạch xong phải định hình được làm cái gì, khi nào làm, ai làm, làm như thế nào thì mới có di tích như kế hoạch đề ra.

Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ vừa mới xây dựng ở làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - xưa kia đây chính là dinh trấn Trà Bát của Chúa Nguyễn Hoàng
Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ vừa xây dựng ở làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - xưa kia đây chính là dinh trấn Trà Bát của Chúa Nguyễn Hoàng

Sau khi đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện Triệu Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kịp thời công bố quy hoạch di tích Nguyễn Hoàng và đẩy mạnh truyền thông về những giá trị lịch sử, công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đặc biệt là công lao mở cõi, qua đó tạo sự đồng thuận trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di sản.

Hội thảo đã nhấn mạnh cần hoàn chỉnh Đồ án Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích để phê duyệt, công bố; cần tiếp tục tiến hành khảo cổ với quy mô rộng hơn, toàn diện hơn để phát hiện và bảo tồn các dấu tích gốc… 

Điều đặc biệt, rất đáng trân quý là ngay tại Hội thảo đã có một số doanh nhân, mạnh thường quân phát nguyện hỗ trợ 2 tỷ đồng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chúa nguyễn.

                                                                                                                                                            Đình Lương