Quán ăn Nhật ngày càng ưa lao động Việt - Hình 1

Một sinh viên người Việt Nam phục vụ trong một nhà hàng gà rán Torikizoku ở Osaka, Nhật Bản - Ảnh: Nikkei.

Theo tờ báo Nhật Nikkei, chuỗi nhà hàng gà nướng có tên Torikizoku với trụ sở ở Osaka là một địa chỉ sử dụng nhiều nhân viên người Việt Nam. Nổi tiếng với mức giá 302 Yên (khoảng 2,8 USD) cho mỗi suất ăn trên toàn bộ thực đơn, nhà hàng này tuyển một lượng lớn nhân viên người Việt để thay thế số nhân viên người Trung Quốc đang ngày càng giảm.

Trước đây, nhân viên người Trung Quốc chiếm đa số trong nhà hàng Torikizoku, nhưng hiện chỉ còn chiếm 1%. Tại một số cửa hiệu của chuỗi nhà hàng này ở trung tâm Tokyo, có ca làm việc mà toàn bộ nhân viên là người Việt, chỉ có quản lý là người Nhật.

Một sinh viên Việt Nam 24 tuổi bắt đầu làm việc tại một chi nhánh của Torikizoku ở Osaka cách đây khoảng 1 năm rưỡi. Cô gái trẻ theo học ở trường đại học cả ngày và tối đến làm việc ở nhà hàng. Cô nói cô yêu thích công việc phục vụ bàn, nhưng gặp khó khăn trong việc nói tiếng Nhật. Mặc dù vậy, hệ thống gọi món trên màn hình cảm ứng của Torikizoku giúp công việc của cô trở nên dễ dàng hơn.

Tờ Nikkei nói rằng sinh viên Việt Nam ở Nhật nổi tiếng có tinh thần làm việc tốt và đoàn kết, còn chuỗi nhà hàng Torikizoku đang trở thành nơi làm việc của ngày càng nhiều sinh viên người Việt. Nhân viên người Việt trong chuỗi nhà hàng này nói ở Việt Nam cũng có món gà nướng tương tự, và họ nghe bạn bè, người thân nói rằng Torikizoku là một nơi tốt để làm việc cho những người mà khả năng nói tiếng Nhật còn hạn chế.

Theo ông Hiroyuki Ogawa, Giám đốc hội Nhật-Việt, Torikizoku có vẻ như đã trở thành một cái tên nổi tiếng trong cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản.

Chuỗi nhà hàng gà nướng này đặt mục tiêu có 1.000 chi nhánh hoạt động vào năm 2021, nên việc tuyển đủ nhân viên là vấn đề rất quan trọng. Để đào tạo số nhân viên người Việt ngày càng tăng, Torikizoku đã làm những cuốn băng video hướng dẫn nấu ăn bằng tiếng Việt.

“Họ phải sử dụng tiếng Nhật khi phục vụ khách hàng, nhưng chúng tôi vẫn cần phải có thêm tài liệu hướng dẫn các công việc cơ bản bằng tiếng Việt Nam”, ông Hidehito Nakanishi, một nhà quản lý của Torikizoku, nói.

“Nhân viên bán thời gian người Việt rất chăm chỉ và nghe lời. Họ sẽ là những nhân viên tốt nhất nếu có thể nói được tiếng Nhật”, ông Eita Iida, Chủ tịch Ten Allied, công ty điều hành một số chuỗi nhà hàng bao gồm Tengu Sakaba, cho hay.

Tính đến tháng 7 năm nay, Ten Allied có 480 nhân viên bán thời gian người Việt Nam, tăng gấp gần 10 lần so với thời điểm năm 2014. Nhân viên người Việt hiện chiếm khoảng 18% tổng số nhân viên bán thời gian của công ty này, một tỷ lệ cao hơn bất kỳ nhân viên đến từ quốc gia nào.

Huyen, một sinh viên 19 tuổi người Việt Nam theo học Trường Ngôn ngữ Nhật Osaka, đến Nhật cách đây khoảng 1 năm. Cô có công việc làm thêm tại một chuỗi nhà hàng bánh bao. Sau khi tan học lúc 4h chiều mỗi ngày, cô làm việc từ 6h đến 10h tối, kiếm được khoảng 110.000 Yên mỗi tháng.

Huyen ở chung phòng với một người bạn Việt Nam, với giá thuê là 28.000 Yên/tháng. Gia đình ở Việt Nam gửi cho cô khoảng 250.000 Yên mỗi năm để giúp cô trả học phí, trong khi tiền làm thêm giúp cô trang trải các chi phí còn lại. Số tiền tiết kiệm được Huyen dành để trả học phí cho năm sau. Ngoài tiền lương, nhà hàng bánh bao nơi Huyen làm thêm còn cung cấp bữa ăn miễn phí cho nhân viên, nên cô bớt được khoản mua thực phẩm.

Sinh viên ở Nhật được phép làm việc đến 28 giờ mỗi tuần. Theo ông Ogawa, nhiều sinh viên Việt Nam không có đủ tiền để trang trải cuộc sống nếu chỉ dựa vào tiền gia đình gửi sang. Và do chỉ có thể làm việc vào buổi tối sau giờ đi học, nên họ thường tìm những công việc được trả lương cao.

Cách đây chưa lâu, phần lớn nhân viên làm việc bán thời gian tại các nhà hàng ăn uống ở Nhật là sinh viên người Trung Quốc, với số lượng đông gấp đôi số nhân viên người Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, số sinh viên người Trung Quốc phải đi làm kiếm tiền đang ngày càng giảm, vì họ đã được gia đình chu cấp tốt hơn.

Những sinh viên Trung Quốc ở Nhật còn phải đi làm thường làm trong các cửa hàng tiện ích, nơi họ có thể dễ dàng nhận ca làm phù hợp với thời gian biểu ở trường, hoặc trong các cửa hàng miễn thuế, nơi họ có thể sử dụng tiếng Trung Quốc.

An Huy - vneconomy