Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden, đánh dấu một thập kỷ hai nước xác lập và triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện và cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam (1973-2023). Nửa thế kỷ đã trôi qua và từ cựu thù, giờ đây hai nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Đó thực sự là một kỳ tích mà ít ai có thể hình dung được vào thời điểm 50 năm trước đây.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Joe Biden đã tham dự lễ đón chính thức và hội đàm, gặp gỡ báo chí cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến và dự tiệc chiêu đãi với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; hội kiến và cùng dự Hội nghị cấp cao Việt Nam-Mỹ về Đầu tư và Đổi mới sáng tạo với Thủ tướng Phạm Minh Chính; hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về quan hệ hai nước và các vấn đề quốc tế vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và thế giới. Hai bên thống nhất cho rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả kể từ khi bình thường hóa và sau khi xác lập Quan hệ Đối tác Toàn diện.
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Theo đó, hai bên sẽ cùng nhau hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.
Khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được hai bên xác định là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Tổng thống Biden khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc rà vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tẩy rửa ô nhiễm môi trường do chất độc dioxin gây ra, mở rộng chương trình giúp đỡ người khuyết tật, việc quy tập hài cốt của những quân nhân của cả hai bên còn mất tích trong chiến tranh. Đây không chỉ là công việc có tính chất nhân đạo. Đây còn là lương tâm, là trách nhiệm. Việc giải quyết tốt những vấn đề này cũng sẽ tạo điều kiện để hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu đầy tham vọng, phấn đấu tới 2030 Việt Nam là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, và năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội cũng xác định mục tiêu trong công tác đối ngoại là "bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc", bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, cùng với việc tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác quan trọng khác nhằm tận dụng mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài, chính là sự triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc lãnh đạo hai nước nhất trí xác lập Đối tác chiến lược toàn diện là có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng cũng chỉ mới là bước khởi đầu. Quan trọng hơn đó chính là việc các bộ ngành và nhân dân hai nước sẽ triển khai, hiện thực hoá những thoả thuận của lãnh đạo cấp cao trong thời gian tới như thế nào.
Ngạn ngữ tiếng Anh có câu "where there is a will, there's a way". Miễn là hai bên cùng có ý chí, quyết tâm vượt qua mọi rào cản, tôn trọng các cam kết, đổi mới và sáng tạo trong hợp tác, tôi tin tưởng rằng quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa kỳ sẽ có những đột phá mới, đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Kim Khánh (t/h)