Dự thảo Thông tư này quy định về quản lý đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm các quy định chung, xác định, tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện và nghiệm thu, thanh lý đề tài cấp bộ.
Theo dự thảo, đề tài cấp bộ được thực hiện để giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Kết quả của đề tài cấp bộ phải đáp ứng tối thiểu hai yêu cầu sau:
a) Có kết quả nghiên cứu được công bố, xuất bản trên các tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học được xuất bản bởi các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới; hoặc các tạp chí khoa học/kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm; hoặc được xuất bản thành sách (chương sách) chuyên khảo, sách tham khảo được xuất bản bởi các nhà xuất bản có uy tín trong hoặc ngoài nước (có mã chuẩn ISBN);
b) Có kết quả đào tạo (hoặc hỗ trợ đào tạo) sau đại học; hoặc có kết quả nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc tài sản trí tuệ, sản phẩm ứng dụng khác;
Đề tài cấp bộ được thực hiện theo phương thức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp. Mỗi đề tài cấp bộ có tối đa 10 thành viên tham gia thực hiện, bao gồm 01 Chủ nhiệm, 01 Thư ký khoa học và các thành viên theo chức danh: thành viên chính; thành viên; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ.
Thời gian thực hiện đề tài cấp bộ không quá 24 tháng. Trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thời gian thực hiện đề tài trên 24 tháng.
Nguồn kinh phí thực hiện đề tài cấp bộ gồm: Kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của đơn vị trực thuộc Bộ; Kinh phí hợp pháp khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Tổ thẩm định nội dung và kinh phí (gọi là Tổ thẩm định). Kinh phí tổ chức họp Tổ thẩm định do Bộ Giáo dục và Đào tạo chi trả theo quy định hiện hành.
Tổ thẩm định có từ 5 đến 9 thành viên, trong đó có Tổ trưởng, Thư ký khoa học và các thành viên khác. Mỗi đề tài có 2 thành viên được phân công phản biện. Thành viên tham gia Tổ thẩm định bao gồm: Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính; các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý am hiểu lĩnh vực nghiên cứu của đề tài.
Nhiệm vụ của Tổ thẩm định gồm: Rà soát lại nội dung chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến Hội đồng tuyển chọn và nội dung chỉnh sửa khác (nếu có);
Đánh giá sự phù hợp của dự toán kinh phí so với các nội dung nghiên cứu theo kết luận của Hội đồng tuyển chọn và các nội dung chỉnh sửa khác (nếu có);
Kiến nghị tổng mức kinh phí thực hiện nhiệm vụ gồm kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác (nếu có), phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần.
Trên cơ sở kết quả của Tổ thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phê duyệt danh mục đề tài cấp bộ để đưa vào kế hoạch thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập trước khi phê duyệt danh mục đề tài cấp bộ để đưa vào kế hoạch thực hiện.
PV (t/h)