THCL TNGT đường thủy nội địa luôn là nỗi kinh hoàng, gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do vi phạm các quy định điều khiển phương tiện thủy, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật...

Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng

Theo thống kế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều vụ TNGT đường thủy nội địa gây hậu quả nghiêm trọng. Có thể kể đến vụ tàu Thành Luân 28 đâm hỏng dầm cầu An Thái tại Kinh Môn (Hải Dương); vụ xà lan chở cát đâm sập Cầu Cơn Độ (Hà Tĩnh); vụ xà lan đâm sập 2 nhịp cầu Ghềnh (Đồng Nai) gây tê liệt giao thông đường sắt tuyến Bắc - Nam và đường thủy. Mới đây nhất là vụ tai nạn tàu bị lật trên sông Hàn (Đà Nẵng) vừa qua, tàu Thảo Vân 2 chỉ có 28 ghế, nhưng đã chở gấp đôi (56 người), trên tàu có áo phao, nhưng do không được phát nên không ai trên tàu mặc áo phao khi bị lật tàu!...

Theo ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT): Con số TNGT so cùng kỳ năm 2015 đã giảm 7 vụ, giảm 6 người chết và giảm 1 người bị thương. Tuy nhiên, xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng không những tới giao thông đường thủy, mà cả đường bộ và đường sắt ở một số địa bàn có mức độ giao thông cao.

Nguyên nhân chính gây tai nạn do vi phạm các quy định điều khiển phương tiện thủy, chiếm 44% (11 vụ), do phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật chiếm 20% (5 vụ) và do các nguyên nhân khác là 36% (9 vụ); do phương tiện thủy nội địa không thực hiện các quy định về thời hạn đăng kiểm định kỳ (quá hạn đăng kiểm), không tuân thủ các quy định khi ra vào cảng bến thủy nội địa, phương tiện thủy hoạt động nhưng không đăng ký hành chính…

Một nguyên nhân nữa là do công tác đào tạo thuyền viên, đăng kiểm, đăng ký phương tiện đối với phương tiện có trọng tải và công suất máy nhỏ gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù người dân hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa theo truyền thống “cha truyền con nối”, phương tiện đóng không có hồ sơ thiết kế dẫn đến việc không thể thực hiện thủ tục đăng kiểm, đăng ký để đưa vào quản lý, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện.

Ngoài ra, hiện tượng phương tiện chở quá tải trọng được phép chở, xuất phát từ một số bến hoạt động trái phép từ các bến không đủ điều kiện và không được cấp phép hoạt động trên đường thủy…

Cần kiên quyết xử lý

Công tác đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn đường thủy nội địa hiện đã thực hiện xã hội hóa trên toàn quốc với 38 cơ sở đào tạo. Cục Đường thủy nội địa đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống đào tạo cho các cơ sở về ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án… đều được thống nhất tại các trường.

“Đến nay, các cơ sở đào tạo trên toàn quốc đã cấp trên 200.000 bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận người được cấp bằng lại không hoạt động trong lĩnh vực đường thủy nội địa, hoặc sau một thời gian nhất định họ mới quay lại điều khiển phương tiện nên việc quản lý gặp khó khăn. Với những trường hợp không tuân thủ theo quy định, gây tai nạn hoặc không tuân thủ quá trình kiểm tra của lực lượng chức năng, có thể thu hồi chứng chỉ hoặc yêu cầu học lại”, ông Thọ nói.

Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác quản lý giao thông đường thủy, cơ quan chức năng cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền cho các đối tượng tham gia giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, đình chỉ các phương tiện tham gia giao thông không bảo đảm an toàn. Chú trọng và nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT đường thủy nội địa trong các trường cao đẳng nghề giao thông vận tải đường thủy.

Đối với các đơn vị quản lý, cần tăng cường chấn chỉnh công tác đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn bên cạnh việc nâng cao cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu vận tải, rà soát hệ thống báo hiệu phù hợp và bảo đảm luồng lưu thông an toàn….

Hoan Nguyễn