Càng gần cuối năm, diễn biến thị trường càng phức tạp. Cùng với đó là sự gia tăng các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm.

Đội QLTT số 2 kiểm tra cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nhằm tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh về việc chấp hành pháp luật trong đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ, quy chuẩn kỹ thuật, nhãn hiệu…, nhất là các cửa hàng kinh doanh đồ hơi trẻ em mang thương hiệu LEGO, giữa tháng 10, Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã đồng loạt ra quân kiểm tra 5 điểm kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (3 cửa hàng trên phố Lương Văn Can, 1 cửa hàng phố Hàng Mã và 1 cửa hàng phố Đinh Lễ).

Ông Lưu Bách Chiến- Đội trưởng Đội QLTT số 2- thông tin: 9 tháng đầu năm, Đội QLTT số 2 đã xử lý tổng cộng 602 vụ vi phạm pháp luật về hàng lậu, hàng cấm, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa…, số tiền xử lý phạt hành chính 2,250 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu và buộc tiêu hủy 3,3 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Đội trưởng Đội QLTT số 2 kiểm tra 122 vụ, xử lý 121 vụ vi phạm, xử lý hành chính 750 triệu đồng, hàng hóa buộc phải tiêu hủy với giá trị hơn 300 triệu đồng. Đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, đội đã kiểm tra 43 vụ, phạt và xử lý hành chính 254 triệu đồng, giá trị hàng hóa buộc phải tiêu hủy gần 400 triệu đồng...

Nói về những khó khăn trong việc xử lý vi phạm, ông Lưu Bách Chiến cho biết, trong quá trình thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, các đối tượng kinh doanh thường có thái độ chống đối, không hợp tác cung cấp hóa đơn, chứng từ, cá biệt còn có những trường hợp thuê các đối tượng “đầu gấu” đe dọa ngược trở lại các cơ quan chức năng. Để có thể thực hiện tốt hơn nữa công tác QLTT, phòng chống buôn lậu, vi phạm pháp luật…, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa lực lượng QLTT và công an để xử lý nghiêm minh các vụ lớn.

Thực tế hiện nay, chế tài phạt hành chính tương đối nghiêm khắc với khung hình phạt tăng nhiều lần so với trước đây, nhưng trên thực tế, thực hiện được hay không lại là vấn đề rất đáng quan tâm. Đơn cử, với những hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trước đây bị phạt 400.000 đồng, nay tăng lên 7,5 triệu đồng; đối với các hộ kinh doanh rượu không giấy phép, trước phạt 600.000 đồng, nay tăng lên 15 triệu đồng với cá nhân và 30 triệu đồng với tổ chức… Tuy nhiên, việc áp dụng xử phạt rất nan giải. Luật đưa ra mức phạt nặng để tăng sức răn đe nhưng có thực thi được hay không vẫn là bài toán khó. nĐể có thể thực hiện tốt hơn nữa công tác QLTT, phòng chống buôn lậu, vi phạm pháp luật…, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa lực lượng QLTT và công an.

Theo Công Thương