THCL Cùng với thông báo đã truy thu 2.034 tỷ đồng tiền thuế chuyển nhượng hệ thống Siêu thị Big C, Tổng cục Thuế cho biết đã hoàn 14.617 tỷ đồng cho Công ty Formosa Hà Tĩnh từ năm 2009 đến nay.
Các chuyên gia tài chính băn khoăn: Làm thế nào để quản lý thuế một cách hiệu quả đối với các DN FDI, sau 2 sự kiện Big C và Formosa?
Những con số… “biết nói”
Tại buổi họp báo chuyên đề, do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây, ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cục thuế các tỉnh, thành phố lập 22 đoàn thanh tra - tiến hành thanh tra tại 22 công ty thuộc hệ thống Big C. Riêng thương vụ chuyển nhượng vốn do Công ty Center group (Thái Lan) mua lại hệ thống Big C tại Việt Nam, trên cơ sở đôn đốc của cơ quan thuế, đến nay Big C đã kê khai và nộp thuế chuyển nhượng với số tiền là 2.034 tỷ đồng.
“Các đoàn thanh tra đang hoàn thiện kết luận thanh tra và ra quyết định truy thu. Tổng cục chỉ đạo sớm kết thúc việc thanh tra này, khi có kết quả chính thức, sẽ có thông tin đến cơ quan báo chí”, ông Tuấn cho hay.
Liên quan đến việc hoàn thuế cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa), bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, DN này bắt đầu hoạt động đầu tư tại Việt Nam từ năm 2009, đây là dự án đầu tư của DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo quy định của Luật Thuế GTGT về hoàn cho dự án đầu tư, trường hợp các DN trong giai đoạn đầu, có số tiền đầu tư vào dự án trên 300 triệu, hoặc 1 năm thì được hoàn thuế GTGT. Công ty Fomosa được hoàn thuế theo đúng quy định của Luật Thuế GTGT đối với DN mới thành lập đang trong giai đoạn đầu tư.
Từ năm 2009 đến nay, qua các giai đoạn hoạt động của dự án, cơ quan thuế đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hoàn thuế cho Fomosa theo đúng quy định của Luật Thuế GTGT và Luật Quản lý thuế với số tiền đã hoàn là 14.617 tỷ đồng. Trong đó, có 10.601 tỷ đồng là số tiền hoàn thuế cho hàng hóa, máy móc thiết bị nguyên vật liệu mà Fomosa nhập khẩu và đã nộp thuế GTGT vào NSNN. Còn lại là thuế GTGT đầu vào của các nhà thầu trong nước mà Fomosa mua, đã nộp thuế GTGT đầu ra (thuế nội địa).
Dưới góc nhìn chuyên môn, những con số liên quan đến việc nộp thuế và hoàn thuế của DN FDI đã khiến không ít chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn. Bởi trên thực tế, mặc dù Big C đã nộp đủ thuế theo đúng cam kết, song việc Big C tự khai số tiền thuế 2.034 tỷ đồng liệu đã bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật?
Trong khi đó, sau những thiệt hại môi trường nặng nề do Công ty Formosa gây ra, số tiền hoàn thuế lên tới hơn 14.000 tỷ đồng là điều không thể không cân nhắc bởi vấn đề được đặt ra là: NSNN đã được hưởng lợi gì từ việc cấp phép đầu tư cho DN này tại Việt Nam?
Ưu đãi nhiều, đóng góp được bao nhiêu?
PGS. TS. Lê Du Phong (Trường ĐH KTQD) cho rằng, hơn 14.000 tỷ đồng là số tiền không nhỏ. Nếu so với con số Formosa phải bồi thường cho phía Việt Nam sau sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung thì còn lớn hơn. Việc một DN từng nhập nhiều hóa chất độc hại và xả thải ra môi trường biển nước ta lại được nhận hoàn thuế và nhiều hỗ trợ ưu đãi khác đã cho thấy những góc khuất đằng sau những giấy phép đầu tư khi chưa được cân nhắc kỹ lưỡng tác động về mọi mặt.
Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển, tại báo cáo của Tổng cục Thuế trình Chính phủ, cơ quan này đã đề nghị xin ý kiến Thủ tướng kết thúc biện pháp hỗ trợ đối với Formosa trước thời điểm 1/9/2016, vì DN này đã mắc quá nhiều sai phạm: kê khai, áp mã HS chưa đúng với quy định hiện hành dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng… Formosa mắc nhiều sai phạm như vậy thì việc chấm dứt hỗ trợ là đúng và cần thiết.
Nhiều chuyên gia lên tiếng, chúng ta đẩy mạnh thu hút FDI, nhưng cuối cùng lại không thu được gì, thậm chí còn phải bù lỗ. Các DN FDI được nhận quá nhiều ưu đãi, thiếu sự công bằng đối với các DN, nhất là DNNVV trong nước. Mặc dù, có không ít DN FDI như Samsung (Hàn Quốc) hay một số DN Nhật Bản đang đóng góp tích cực cho ngân sách và tạo việc làm cho không ít người lao động; song việc “trải thảm đỏ” cho các DN FDI cần phải xem xét lại. Đã đến lúc, Việt Nam phải có sự thay đổi trong chiến lược thu hút FDI.
Cao Huyền