Doanh nghiệp vay mượn tiền tỷ để làm vệ sinh môi trường

Năm 2003, Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng (xã SơnTrạch - huyện Bố Trạch, Quảng Bình) được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới. Sau khi vinh dự đón nhận danh hiệu nói trên, du khách đến với danh thắng này càng nhiều. Với việc du khách đến đông dẫn đến áp lực về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, cũng như đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch.

Tháng 11/2003, UBND xã Sơn Trạch có tờ trình gửi lên UBND huyện Bố Trạch về việc giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường tại khu danh thắng này. Theo tờ trình thì, Công ty XDLS Tràng An (sau này là Công ty TNHH MTV Tràng An) là đơn vị có đủ tư cách pháp nhân và nguồn lực để tiếp nhận, quản lý, vận hành dự án rác thải tại Phong Nha – Kẻ Bàng.

Sau đó, huyện Bố Trạch đồng ý cho Công ty Tràng An được để tiếp nhận, quản lý, vận hành dự án rác thải tại Phong Nha – Kẻ Bàng. Đồng thời, yêu cầu công ty này thành lập đội vệ sinh môi trường thuộc công ty để thực hiện dự án.

Tuy huyện Bố Trạch giao đội môi trường của Công ty Tràng An làm vệ sinh, nhưng từ năm 2003 đến 2008, huyện này lại không hề cấp kinh phí cho công ty hoạt động mà phải dựa vào xã hội hóa.

Ông Lê Xuân Bách, Giám đốc Công ty Tràng An cho hay, sau khi Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành di sản, khách du lịch đến ngày càng đông, khi được xã và huyện động viên, công ty này đã đứng ra thu gom rác cho dù không có bất cứ hỗ trợ nào.

Mọi kinh phí hoạt động đều do công ty này đi vay mượn để mua sắm tư trang phục vụ cho công việc, trồng cây xanh, bắt điện chiếu sáng, thu dọn rác ở khu vực trung tâm xã.

Quảng Bình: 15 năm đóng góp vệ sinh môi trường, địa phương “chây ỳ” trả nợ cho DN - Hình 1

 Di sản Phong Nha - kẻ Bàng

Từ một đội vệ sinh môi trường (thuộc Công ty Tràng An) hoạt động từ năm 2003, đến năm 2008, đội vệ sinh phát triển thành Công TNHH MTV Môi trường Phong Nha (thuộc Công ty TNHH MTV Tràng An) đã rất nổ lực trong việc làm vệ sinh, chỉnh trang bộ mặt của khu danh thắng này.

Tháng 4/2008, xã Sơn Trạch (chủ đầu tư dự án vệ sinh môi trường tại Phong Nha – Kẻ Bàng) và Công ty môi trường Phong Nha ký hợp đồng kinh tế giao cho công ty này việc thu gom rác, vận chuyển rác thải. Đồng thời, chăm sóc cây xanh ở khu danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng, thời gian thực hiện hợp đồng lâu dài vĩnh viễn.

Theo ông Bách, từ cuối năm 2011, tỉnh hỗ trợ 20% từ nguồn kinh phí 43% trích lại cho địa phương từ doanh thu du lịch, nhưng thu không đủ bù chi, vẫn phải vận dụng các nguồn lực vay mượn để bù đắp cho môi trường.

Chủ đầu tư nợ doanh nghiệp 22 tỷ tiền vệ sinh, điện chiếu sáng, trồng cây xanh

Với vai trò của mình trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, Công tyTrường An đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Vệ sinh môi trường sau các đợt mưa lũ, chỉnh trang hệ thống lưới điện và cây xanh.

Tuy bỏ tiền ra để thực hiện nhiệm vụ, nhưng đến nay chủ đầu tư dự án lại “chây ỳ” trong việc trả nợ cho công ty. Ông Bách cho hay, sau các đợt mưa bão, xã Sơn Trạch vì là địa bàn thấp trũng nên thường bị ngập lụt kéo dài. Sau mỗi lần như vậy, Công ty Tràng An tiến hành làm vệ sinh, chỉnh trang lại bộ mặt của khu danh thắng với số tiền bỏ ra lên đến cả tỷ đồng.

Sau 15 năm hoạt động của Công ty Môi trường Phong Nha, về nguồn đầu tư tài sản xây dựng hạ tầng cho các hoạt động môi trường, vệ sinh môi trường, cây xanh, điện chiếu sáng, bảng quảng cáo và chi cho hoạt động thường xuyên từ năm 2003 đến 2016, còn âm hơn 22 tỷ đồng!

Ông Bách cho hay đã nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện và tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được việc nợ tiền của công ty ông. Mặc dù trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã từng ra quyết định chỉ đạo chính quyền các cấp giải quyết kiến nghị của ông Bách về việc thanh toán số tiền đang nợ hàng chục tỷ đồng.

Quảng Bình: 15 năm đóng góp vệ sinh môi trường, địa phương “chây ỳ” trả nợ cho DN - Hình 2

 Với quyết định của UBND huyện Bố Trạch, hàng chục công nhân của Công ty Môi trường Phong Nha có khả năng thất nghiệp (Ảnh:BQB)

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết đã gửi kiến nghị lên huyện để giải quyết việc chậm trả nợ cho Công tyTràng An. Khi PV đặt câu hỏi "tại sao không trả trước từng phần nợ", ông Trứ trả lời: Việc trả nợ tùy thuộc vào số lượng khách đến với Phong Nha – Kẻ Bàng. Hiện tại, du khách đang giảm nên chưa thể trả nợ được (?!).

Cũng theo ông Bách, trong khi số nợ của công ty ông chưa được giải quyết, thì huyện Bố Trạch lại ra quyết định phê duyệt Đề án vệ sinh môi trường, cây xanh, điện chiếu sáng xã Sơn Trạch giai đoạnn 2017-2021, định hướng 2025.

Theo đó, huyện sẽ tổ chức đấu giá, lựa chọn nhà thầu có năng lực để thực hiện đề án trên. Việc làm này của huyện Bố Trạch dẫn đến nguy cơ hàng chục người lao động của Công ty Môi trường Phong Nha có nguy cơ thất nghiệp sau 15 năm gắn bó với công việc vệ sinh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đình Duy