Đến nay, Quảng Bình có 94 sản phẩm OCOP được công nhận với chủng loại hàng hóa phong phú, mẫu mã đa dạng nhưng vẫn thiếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2023 đến 2025, tỉnh Quảng Bình phấn đấu có 01 đến 03 sản phẩm đạt 5 sao, 20 đến 25 sản phẩm đạt 4 sao. Đặc biệt, các địa phương chú trọng nâng cấp, nâng hạng sản phẩm OCOP đã được đánh giá nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Thực tế hiện nay, các sản phẩm này có nguồn gốc, lợi thế địa phương của Quảng Bình còn hạn chế về bao bì đóng gói và khả năng cạnh tranh. Vì vậy, những sản phẩm này chủ yếu tiêu thụ tại địa phương. Đa số các chủ thể có sản phẩm OCOP là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế về quy mô sản xuất, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Bình xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP gắn với các ngành nghề, dịch vụ có lợi thế, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Chủ thể OCOP là hợp tác xã và các doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bán sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế, tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm OCOP, mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ở từng địa bàn.
Tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bố trí thêm ngân sách địa phương và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP.
Lê Quyết